Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Đề án phát triển du lịch huyện Nam Đông giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030
Ngày cập nhật 30/10/2017

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

 

          I. Quan điểm

          1. Phát triển du lịch nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên và văn hóa đặc trưng của huyện.

          2. Phát triển du lịch gắn khai thác với bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên du lịch, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

          3. Phát triển du lịch huyện phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội của huyện trên cơ sở xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch.

          4. Phát triển du lịch phải huy động tốt mọi nguồn lực, trong đó chú trọng các nguồn lực đầu tư bên ngoài cho phát triển du lịch huyện.

          5. Phát triển du lịch phải gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

          6. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong huyện.

          II. Mục tiêu, chỉ tiêu

          1. Mục tiêu tổng quát

          Phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa gắn liền với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn các tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch huyện, đưa giá trị sản xuất ngành du lịch chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu trên địa bàn huyện.

2. Chỉ tiêu cụ thể

          Đến năm 2020: Phấn đấu năm 2018, điểm du lịch thác Trượt được đưa vào khai thác, hoạt động. Điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi đảm bảo các điều kiện vật chất cơ bản cho hoạt động và khai thác hiệu quả. Phát triển điểm du lịch Thác Mơ thành điểm du lịch trọng điểm với dịch vụ đa dạng. Quy hoạch điểm bán hàng nông sản, các quầy bán hàng lưu niệm tại các chợ và các điểm du lịch trên địa bàn.

          Kết nối được ít nhất 05 đơn vị lữ hành đưa khách thường xuyên đến với huyện. Xây dựng được 03 chương trình tour du lịch từ 2 ngày trở lên. Nguồn lao động làm trong lĩnh vực du lịch và lưu trú tăng từ 78 người lên 150 người.

          Đến năm 2030: Phấn đấu điểm du lịch Làng văn hóa truyền thống Cơ tu huyện Nam Đông đảm bảo tiến độ triển khai và đưa vào khai thác trở thành điểm du lịch trọng điểm về du lịch văn hóa của huyện. Điểm du lịch thác Phướng được đầu tư. Có ít nhất hai vườn nông sản được đưa vào chương trình du lịch. Có ít nhất 01 điểm du lịch nghỉ dưỡng.

          Liên kết được 10 công ty lữ hành thường xuyên đưa khách đến huyện. Thiết lập được các tour du lịch ngoại tỉnh với các tỉnh phía Nam (Đà Nẵng, Quảng Nam). Xây dựng được 01 tour du lịch khám phá, trải nghiệm cảnh quan rừng nguyên sinh. Nguồn lao động làm trong lĩnh vực du lịch và lưu trú tăng lên 300 người.

III. Định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2017 -2020, tầm nhìn đến năm 2030

          1. Về Quy hoạch

          Đến năm 2020 hoàn thành các quy hoạch sau:

          Tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn huyện, từ đó xây dựng dự án cho từng thời kỳ. Trước mắt tập trung quy hoạch các điểm du lịch trọng điểm: Thác Mơ, Thác Trượt, Thác Kazan, du lịch cộng đồng thôn Dỗi, Vườn thuốc Nam – Thượng Lộ, Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông, Hang Dơi – Thượng Quảng.

          Quy hoạch điểm bán hàng nông sản tại chợ Khe Tre, chợ Nam Đông và gian hàng lưu niệm ở các điểm du lịch, các điểm vui chơi giải trí, khu thể thao ở trung tâm huyện và các vùng lân cận.

          Giai đoạn 2020-2030:

          Quy hoạch chi tiết các điểm du lịch Thác Phướng – Hương Phú, Đập Hai Nhất– Hương Giang, khe La Vây – Hương Giang, Hương Hữu, Khe Bó, suối nóng lạnh, Thác Kavat, núi đá Ba Hô – Thượng Long, thác AK-T7 – Hương Sơn, hồ chức nước Tả Trạch, Thủy điện – Thượng Lộ, Thượng Nhật, vườn nông sản: vườn cam – Hương Hòa, Vườn rau sạch – Hương Lộc, Vườn nông sản đồng bào – Xã Thượng Lộ, vườn dược liệu…

          Quy hoạch các chiến tích Đồn Nam Đông, Đồn Khe Tre, địa đạo Ka Tư, thực hiện công tác khoanh vùng, cắm mốc.

2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

Dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa vùng miền, Nam Đông cần tập trung đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch chủ lực theo thứ tự ưu tiên sau:

- Du lịch sinh thái: Tham quan các thắng cảnh, hồ, suối, các thác nước, các vườn nông sản, tham quan rừng nguyên sinh.

- Du lịch cộng đồng: trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán của người dân tộc Cơ tu gắn với du lịch cộng đồng.

- Du lịch nghỉ dưỡng: Trên cơ sở khai thác các cảnh sắc thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, các suối nước nóng lạnh….

2.1. Về phát triển du lịch sinh thái

2.1.1. Điểm du lịch Thác Mơ

          Đây là điểm đến thu hút lượng khách lớn nhất của huyện, được coi là điểm đến làm nên hình ảnh du lịch sinh thái huyện Nam Đông.  

          Cơ sở hạ tầng, vật chất, dịch vụ: yêu cầu chủ đầu tư lập phương án nâng cấp, quy hoạch hệ thống nhà hàng, khu dịch vụ, khu để xe, khu vực nhà vệ sinh, tôn tạo cảnh quan và không gian đi bộ trong khu du lịch, nâng cao chất lượng và bổ sung thêm các dịch vụ như bán hàng lưu niệm, dịch vụ xông hơi, mát xa, karaoke, đầu tư hệ thống máng trượt, cải tạo đường lên thác và lối đi khu vực thác….

          Về phương án khai thác, quản lý hoạt động: Chủ đầu tư cần ký cam kết về phương án đầu tư và phân kỳ đầu tư. Nếu phương án đầu tư không hiệu quả sẽ thu hồi và kêu gọi chủ đầu tư mới. Xem xét phương án phân chia khu vực và kêu gọi thêm chủ đầu tư để tạo ra sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bổ sung các dịch vụ mới thu hút khách.

          Các cơ quan chức năng của huyện xem xét lập dự án đầu tư cải tạo tuyến đường lên thác và hỗ trợ đầu tư nguồn điện để chia sẻ một phần khó khăn về vốn, tạo bước đệm để chủ đầu tư nổ lực tập trung khai thác hiệu quả.

          2.1.2. Điểm du lịch Thác Trượt

          Đôn thúc chủ đầu tư lập phương án khai thác và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ sớm đi vào khai thác.

          Xác định việc đầu tư phát triển thành một điểm du lịch đủ tầm về quy mô và chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch. Quy hoạch diện tích đất, khoanh vùng và trồng cây tái tạo cảnh quan xung quanh khu vực thác. Khai thác vùng lòng hồ và suối, thảm thực vật rừng, tổ chức tham quan tại khu vực trên cơ sở xây dựng các nhà nghỉ ven suối; phát triển ao nuôi cá, điểm câu cá, hình thành vườn hoa, cây kiểng; khu nhà hàng, ẩm thực địa phương, xây dựng khu nghỉ dưỡng với kiến trúc phù hợp...

           Các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất đưa vào hoạt động.

          2.1.3. Các điểm du lịch tiềm năng khác (Núi Mang, Thác Phướng, Thác Kazan, Hang Dơi, Khe Bó, Đập Hai Nhất, Khe La Vây, suối nóng lạnh, Thác Kavat, núi đá Ba Hô, thác AK-T7, hồ chứa nước Tả Trạch, Thủy điện – Thượng Lộ, Thượng Nhật …)

          Nhằm đánh giá hiện trạng, tiềm năng các điểm du lịch cần mời các chuyên gia về phát triển du lịch tổ chức khảo sát đánh giá điểm đến để có hướng khai thác phù hợp.

          Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, các điểm du lịch có tiềm năng lớn cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vào điểm đến (đường giao thông, điện, nguồn nước…) để kích thích các nhà đầu tư kinh doanh du lịch.

          Tăng cường công tác quảng bá tiềm năng du lịch huyện thông qua các kênh như: các phóng sự chuyên đề trên truyền hình địa phương, tỉnh, trên báo chí, các kênh thông tin mạng xã hội, trang thông tin điện tử, thông qua các hội thảo về xúc tiến du lịch…

          Công tác đầu tư cần chú trọng giữ gìn các đặc điểm sinh thái tự nhiên, quan cảnh phù hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

          2.1.4. Phát triển mô hình nhà nông làm du lịch

          Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch xanh do nông dân làm chủ gắn với các vườn nông sản như: cam, măng, dứa, chuối tiêu, rau sạch....góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch.

          Đưa các vườn nông sản vào chuỗi khai thác tour, tuyến của các công ty lữ hành gắn kết với các điểm du lịch khác trên địa bàn. Đồng thời xây dựng thương hiệu đặc sản Nam Đông và khuyến khích người dân tham gia xây dựng các sản phẩm đặc trưng của của mình.

          2.2. Về phát triển du lịch cộng đồng

          Việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa Cơ tu sẽ là điểm nhấn trong phát triển du lịch huyện. Trước mắt cần tập trung khai thác hiệu quả điểm du lịch cộng đồng Thôn Dỗi đã hình thành và phát triển, coi đây là mô hình mẫu, trong quá trình phát triển và hoạt động du lịch cộng đồng, đồng thời giám sát hiệu quả và tác động du lịch cộng đồng đối với môi trường, văn hóa và xã hội tại điểm đến, nhân rộng mô hình và tạo động lực để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới thúc đẩy phát triển du lịch huyện.

          Mô hình du lịch cộng đồng này sẽ nhân rộng tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng và quy tụ tại Làng Văn hóa truyền thống Cơ Tu huyện Nam Đông.

          2.3. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

          Với hai loại hình du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khí hậu, cũng như nâng cao hiệu suất khai thác lợi nhuận du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tiêu dùng của du khách, giai đoạn 2020-2030 cần hướng tới khai thác phát triển du lịch nghỉ dưỡng theo hướng sau:

          Phát triển lồng ghép các nhà nghỉ, khu nghỉ mát dân gian lồng ghép vào hoạt động dịch vụ tại các điểm du lịch như Thác Mơ, Thác Trượt…

          Kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nơi có quần thể các điểm đến đẹp như Thượng Long (hệ thống suối thác, hang đá vôi, cảnh sắc rừng núi…) đặc biệt khai thác du lịch nghỉ dưỡng hướng tới nhu cầu chữa bệnh đối với suối nước nóng lạnh.

          3. Định hướng xây dựng và phát triển các điểm du lịch phụ, dịch vụ bổ trợ, sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng

          3.1 Về các điểm du lịch phụ

          Làm tốt công tác bảo tồn, sưu tầm hiện vật tại nhà Văn hóa dân tộc huyện Nam Đông. Khoanh vùng và trùng tu, tôn tạo các chiến tích đồn Nam Đông, đồn Khe Tre, địa đạo Ka Tư - chứng tích chiến tranh thời kỳ kháng chiến chống Mĩ…. để tạo thêm nhiều điểm đến mới trong chương trình tham quan của các đoàn khách.

          3.2. Về phát triển dịch vụ

          Đẩy mạnh phát triển và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm địa phương như: mật ong rừng, chuối tiêu, cam, dứa…các món ẩm thực truyền thống như cơm lam, rượu cần…Khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống như nghề dệt zèng, đan lát mây, tre, điêu khắc gỗ, đá…

          Quy hoạch các quầy bán hàng lưu niệm, các quầy ẩm thực truyền thống, các chợ phiên chuyên bán sản phẩm nông sản Nam Đông tại trung tâm thị trấn, các điểm du lịch. Tổ chức định kỳ ngày hội giới thiệu ẩm thực truyền thống miền núi Nam Đông.

          Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ như cho thuê xe gắn máy, xe đạp, thuê ghe…tại các điểm tham quan, du lịch.

          Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà nghỉ tại trung tâm thị trấn và đặc biệt phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch có cảnh quan đẹp, không khí trong lành đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Chú trọng phát triển các mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay) ở các điểm du lịch cộng đồng xã Thượng Lộ, làng Văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu và các làng thủ công, mỹ nghệ truyền thống.

          4. Định hướng quảng bá, liên kết phát triển du lịch

          Đối với thị trường trong tỉnh: đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm, kêu gọi và tạo điều kiện để các đơn vị lữ hành kết nối các điểm du lịch trên địa bàn với thị trường khách du lịch, đưa các điểm du lịch huyện vào các chương trình du lịch của tỉnh.

          Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam như Đà Nẵng, Quảng Nam…. Để giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh về du lịch và những sản phẩm đặc trưng của huyện đến du khách.

          Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để phát triển ra thị trường khách nước ngoài, đặc biệt là thị trường khách Nhật, Hàn Quốc - đối tượng khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu thông qua các công ty du lữ hành chuyên cung cấp khách nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức liên kết, đầu tư phát triển như FDIR thông qua trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, các hình thức giới thiệu, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển của các tổ chức nước ngoài với huyện, qua tờ rơi, tờ gấp, báo chí và các kênh thông tin khác.

          5. Tổ chức các tour du lịch

          5.1. Kết nối các tuyến điểm thành tour du lịch địa phương

 Liên kết các điểm du lịch tại địa phương như: Du lịch cộng đồng, hệ thống thác, hang động, các vườn nông sản, làng văn hóa, các khu mua sắm, chợ đêm……nhằm xây dựng các chương trình du lịch địa phương phong phú, hấp dẫn du khách. Dự kiến:

          - Tour 1 ngày:

          + Du lịch cộng đồng thôn Dỗi - Chợ Khe Tre - Tham quan, tắm thác Mơ.

          + Tham quan nhà Văn hóa dân tộc - Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi - Chợ Khe Tre – Tham quan vườn nông sản.

          + Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi - Thác Kazan - Vườn Nông sản - Chợ Khe Tre.

          + Vườn nông sản - Chợ Khe Tre - Thác Trượt.

          + Du lịch cộng đồng thôn Dỗi - Lòng hồ Thủy điện Thượng Lộ - Vườn nông sản.

          - Tour 2 ngày:

          + Tham quan nhà Văn hóa dân tộc huyện - Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi -Chợ Khe Tre - Tối giao lưu đốt lửa trại hoặc tham gia các hoạt động tại nhà dân như học dệt zèng, đan lát, nghe kể chuyện bản làng, sử thi Cơ tu, chơi các trò chơi dân gian (dịch vụ homestay) - Tham quan vườn nông sản - Tắm Thác Mơ.

          + Du lịch cộng đồng thôn Dỗi - Mua sắm tại trung tâm thị trấn - Vườn nông sản - Tối giao lưu đốt lửa trại tại nhà cộng đồng thôn hoặc tham gia các hoạt động tại nhà dân như học dệt zèng, đan lát, nghe kể chuyện bản làng, sử thi Cơ tu, chơi các trò chơi dân gian (dịch vụ homestay) - Tắm Thác Trượt.

          + Tham quan nhà Văn hóa dân tộc huyện - Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi - Chợ Khe Tre - Lòng Hồ thủy điện Thượng Lộ - Tối giao lưu đốt lửa trại hoặc tham gia các hoạt động tại nhà dân như học dệt zèng, đan lát, nghe kể chuyện bản làng, sử thi Cơ tu, chơi các trò chơi dân gian (dịch vụ homestay) - Tham quan vườn nông sản - Tắm Thác Mơ.

          - Tour theo chủ đề:

          + Du lịch xanh: Các điểm sinh thái - Vườn nông sản - rừng nguyên sinh

          + Du lịch tìm hiểu văn hóa: Nhà văn hóa dân tộc - Làng Văn hóa, du lịch cộng đồng thôn Dỗi - Các làng nghề - Các địa điểm chiến tích, địa đạo.

5.2. Liên kết các đơn vị lữ hành, các điểm du lịch phụ cận hình thành tuyến du lịch nội tỉnh, ngoại tỉnh

Tuyến 1: Tp. Huế - Nam Đông

Tuyến 2: Tp. Huế - Nam Đông - Đà Nẵng

Tuyến 3: Đà Nẵng - Nam Đông - Huế

          IV. Các giải pháp phát triển du lịch

          1. Nâng cao nhận thức về du lịch

          Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ làm công tác quản lý, những người cung ứng dịch vụ du lịch, nhân dân địa phương về tầm quan trọng và nguồn lợi từ du lịch mang lại; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong giao tiếp, phục vụ du khách, ý thức bảo về môi trường, cảnh quan… thông qua các hình thức đào tạo như bồi dưỡng tập trung, tham quan, thông qua các phương tiện truyền thông, tờ rơi, thông qua hướng dẫn viên du lịch…

2. Công tác quy hoạch

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Đông đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 để quy hoạch các điểm du lịch phù hợp nhằm bố trí quỹ đất để phát triển các loại hình du lịch.

Trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần lưu ý kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp với việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hoạch định kế hoạch phân kỳ đầu tư, phát triển hợp lý cho từng giai đoạn đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm vốn đầu tư và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

3. Giải pháp về sản phẩm du lịch

Xã hội hóa phát triển du lịch; khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch mới mang tính sinh thái, cộng đồng.

Thuê tư vấn hoặc chuyên gia nghiên cứu, đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, mang tính đặc trưng, thương hiệu của địa phương.

Tổ chức các chuyến du lịch thử nghiệm, mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị lữ hành lớn trong tỉnh, các tỉnh lân cận và những trung tâm du lịch lớn đến tìm hiểu, khảo sát, lựa chọn và xây dựng các chương trình du lịch để chào bán cho khách.

Chú trọng việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm lưu niệm, sản vật đặc trưng của địa phương; duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng của các loại hình du lịch; xây dựng mới các khu dịch vụ bổ trợ để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú.

         

 

          4. Thu hút đầu tư và cải thiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng

          Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ các dự án, các tổ chức, cá nhân có khả năng. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư du lịch tại địa phương để các nhà đầu tư yên tâm triển khai thực hiện.

          Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường đến điểm du lịch và các tuyến đường trong khu du lịch. Phát triển hệ thống điện, nước, hệ thống chứa và xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch.

          Cùng với sự gia tăng của dòng khách du lịch thì hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ cũng cần được đầu tư nâng cấp về cả số lượng và chất lượng. Cần chú ý đầu tư loại hình dịch vụ homestay vừa phù hợp với điều kiện địa phương, vừa tiết kiệm đầu tư cơ sở vật chất và thích hợp với thị hiếu của du khách.

          Bên cạnh đó để giữ chân du khách và sử dụng nhiều dịch vụ du lịch thì cần đầu tư, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ, các công trình vui chơi giải trí, mua sắm đặc sản địa phương.

          5. Đào tạo nguồn nhân lực

          Phối hợp với các cơ quan liên quan hàng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, xã, thị trấn về công tác quản lý nhà nước về du lịch. Triển khai đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn, dài hạn tại các trường đào tạo ngành du lịch.

          Đào tạo các kỹ năng phục vụ khách cho đội ngũ làm công tác du lịch địa phương. Tổ chức tham quan học tập tại các địa phương và đơn vị bạn về các mô hình khai thác phát triển du lịch, cung cách phục vụ và các mô hình kinh doanh du lịch.

          6. Nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch

          Tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Nam Đông, lấy du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là sản phẩm chủ lực thông các hình thức thông tin tuyên truyền như:

          Tuyên truyền bằng hình ảnh thông, các phóng sự, bản tin trên báo chí, đài truyền thanh, truyền hình địa phương, tỉnh, của Trung ương, trên các trang thông tin điện tử và các mạng xã hội. Tham gia thường xuyên các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong tỉnh, phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tiến hành các chiến dịch phát động thị trường.

          Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và nhân dân trong huyện tích cực tham gia công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch.

          Tổ chức các sự kiện về du lịch Nam Đông, tạo ra điểm nhấn trong việc nâng cao hình ảnh du lịch của huyện nhà.

          7. Cơ chế chính sách

          Cơ chế chính sách quản lý: Xây dựng Quy chế quản lý du lịch phù hợp, tạo ra cơ chế phối hợp liên ngành, xây dựng các văn bản cam kết, quy định liên ngành để phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và tổ chức khai thác, phát triển du lịch. Có chính sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án thu hồi đất.

          Có cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch vì chính sự tham gia của người dân tạo thêm nguồn lực sẽ góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó người dân sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ý thức trách nhiệm trong tham gia các hoạt động du lịch.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.789.711
Truy cập hiện tại 237