Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Báo cáo Rà soát việc tự đánh giá xếp loại công tác cải cách hành chính năm 2018 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2019 huyện Nam Đông
Ngày cập nhật 07/03/2019

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Kết quả đạt được về công tác cải cách hành chính trong năm 2018

Trong năm 2018, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân huyện nên chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả: Chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực cải cách hành chính ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác cải cách hành chính được trang bị tương đối đầy đủ và hiện đại hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất tốt đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp các ngành, trong năm 2018 công tác cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông đã được xếp loại tốt, đứng vị thứ 2 trên 9 huyện, thị xã, thành phố và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018.

Đối với các xã, thị trấn đánh giá năm 2018 có: 06 xã đạt loại tốt (Thượng Lộ, Hương Giang, Hương Sơn, Hương Phú, Thượng Quảng, Hương Hòa), 03 xã đạt loại khá (thị trấn Khe Tre, Hương Lộc,Thượng Long), 02 xã đạt loại trung bình (Thượng Nhật, Hương Hữu).

Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc huyện đánh giá năm 2018 có: 03 cơ quan đạt loại xuất sắc (Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng HĐND và UBND huyện), 04 cơ quan đạt loại tốt (Văn hóa - Thông tin, Thanh tra, Lao động TB&XH, Tài chính - Kế hoạch), 05 cơ quan đạt loại khá (Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Dân tộc, Y tế), 01 cơ quan đạt loại trung bình (Kinh tế - Hạ tầng).  

 

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính vẫn còn tồn tại, hạn chế sau:

a. Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại UBND cấp huyện:

Theo quy định tại Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh thì đối với các văn bản QPPL của tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan cần phải triển khai kịp thời (triển khai ngay khi văn bản QPPL có hiệu lực thi hành và không quá 15 ngày kể từ ngày văn bản QPPL có hiệu lực). Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các văn bản QPPL của tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan vẫn chưa kịp thời, còn chậm.

b. Lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính

Các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trong năm được cải tiến thuộc các lĩnh vực ở cấp huyện còn rất ít; chỉ mới có 5/365 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được cải tiến về thời gian, thành phần hồ sơ và quy trình giải quyết, (5 TTHC thuộc các lĩnh vực Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch, Lao động Thương binh và xã hội).

c. Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:

- Đến nay số lượng cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn còn nhiều, nguyên nhân do yếu tố lịch sử để lại; một số cán bộ, công chức khi cơ cấu nhân sự để bầu vào các chức danh chủ chốt nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, cụ thể:

+ Số lượng cán bộ cấp xã không đạt chuẩn còn 8/109 người, chiếm tỷ lệ 7,33% (gồm: Nguyễn Thanh Sơn xã Hương Lộc; Rapat Lanh, Phạm Văn Nam, Đoàn Văn Vân, RaPát Bông xã Thượng Long, Trần Đình Khởi xã Thượng Nhật, Hồ Xuân Thủy xã Hương Sơn, Hồ Văn Ưng xã Thượng Quảng).

 + Số lượng công chức cấp xã không đạt chuẩn còn 02/118 người, chiếm 1,69% (gồm: Hồ Văn Năng xã Hương Sơn, Phạm Văn Tuấn xã Thượng Lộ).

- Mức độ hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm chưa đạt 100%, do khó khăn trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

d. Lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính

- Về ứng dụng công nghệ thông tin: Trong năm 2018, UBND huyện Nam Đông xếp vị thứ thứ 3/9 huyện, thị xã, thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin (ICT). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như:  

+ Hạ tầng kỹ thuật: gói cước mạng sử dụng CPnét cao nhưng tốc độ chậm gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành các phần mềm nội bộ, ảnh hưởng phần nào đến giải quyết công việc.

+ Một số cơ quan và cá nhân không liên quan vẫn có trong phần mềm (được cấp tài khoản).

+ Phần mềm lịch công tác còn nhiều bất cập, người sử dụng có thể vào để truy cập và thay đổi nội dung lịch công tác của người khác.

+ Các ứng dụng, phần mềm CNTT ngày càng nhiều; các phần mềm tích hợp chưa được hiệu quả, chưa đồng bộ gây khó khăn cho quá trình áp dụng, triển khai như (phần mềm quản lý lịch công tác, phần mềm đăng ký nghĩ phép, đi công tác…).

+ Việc trao đổi văn bản trên môi trường mạng còn chậm, nhiều cơ quan vẫn sử dụng văn bản giấy.

+ Nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, đặc biệt ở các xã, thị trấn việc triển khai khá khó khăn, hiệu quả chưa cao.

+ Khả năng tác nghiệp trên phần mềm và tiếp thu nội dung tập huấn của công chức còn yếu.

đ. Lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

- Theo số liệu thống kê từ 01/01/2018 đến 15/11/2018, tại Trung tâm Hành chính công huyện thì trong tổng số 2021 hồ sơ đã giải quyết thì có 10 hồ sơ giải quyết trễ hẹn, chiếm 0,5%; tuy số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm tỷ lệ không cao so với tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn nhưng nguyên nhân chủ yếu lại do chuyên viên phụ trách không xử lý trên hệ thống phần mềm nên trên phần mềm báo hồ sơ trể hạn (mặc dù hồ sơ đã trả cho người dân đúng hạn); do lỗi trong giải quyết TTHC đã làm cho nội dung này không đạt điểm tuyệt đối (chỉ cần 01 hồ sơ trễ hạn là mất 0,5 điểm vì theo quy định phải có 100% hồ sơ đã được giải quyết và trả kết quả trước hạn, đúng hạn mới đạt điểm tuyệt đối)

- Vẫn còn tình trạng hồ sơ liên thông thuộc lĩnh vực Đất đai (thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai) đã xử lý hoàn thành tại hệ thống Dịch vụ công nhưng kết quả vẫn chưa trả về tại Trung tâm Hành chính công để trả cho người dân (trong khi đó các huyện miền núi đã được cộng thêm 10 ngày trong giải quyết TTHC so với các đơn vị hành chính cấp huyện đồng bằng).

- Do thực tế địa bàn nhỏ và người dân trên địa bàn ít phát sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ nên không thể phát huy hết lợi ích của việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm qua chỉ có 05 hồ sơ được thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Về Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã: Trong năm 2018 thực hiện Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) hiện đại của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện đã tiến hành đầu tư và đưa vào hoạt động 08/11 Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại các xã. Việc có một Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại không chỉ có đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà cốt lõi là phải đảm bảo việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên môi trường mạng với 100% TTHC được thiết lập đầy đủ quy trình (thể hiện đầy đủ các bước thực hiện); cụ thể là tất cả các hồ sơ đã giải quyết đều được thực hiện đầy đủ các bước như: cập nhập đầy đủ, tiếp nhận, luân chuyển và trả hồ sơ có đính kèm file điện tử đối với hồ sơ liên thông và hồ sơ có thời gian giải quyết (trong ngày và nhiều ngày). Tuy nhiên, hiện nay qua quá trình triển khai thực hiện có một số xã vẫn chưa thực hiện đảm bảo các yêu cầu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng.

- Theo Quyết định số 1907/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh về Ban hành Quy định về cơ chế phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, công dân có thể nộp hồ sơ Đất đai tại UBND các xã, thị trấn hoặc trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Tuy nhiên, khi hoàn thiện hồ sơ đất đai cho công dân, hầu hết công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường vẫn tồn tại tâm lý sợ sai sót trong việc liên thông hồ sơ, tốn nhiều thời gian để bổ sung dẫn đến trễ hẹn trong trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân. Do đó, hầu hết các xã, thị trấn sau khi hoàn thiện hồ sơ đều hướng dẫn công dân, tổ chức đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công, không tiến hành liên thông trên phần mềm.

e. Lĩnh vực đánh giá tác động công tác cải cách hành chính tại địa phương

Về mức thu hút đầu tư của địa phương: để đạt điểm tiêu chí này thì theo quy định mức thu hút mức đầu tư của huyện năm sau cao hơn năm trước, đây là vấn đề rất khó nên các ngành cần tập trung nỗ lực.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Nhằm giữ vững vị thứ xếp hạng và không ngừng nâng cao chỉ số công tác cải cách hành chính của huyện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, trấn thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương; có giải pháp chỉ đạo cụ thể để chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính. Chú trọng việc giải quyết kịp thời các TTHC cho cá nhân, tổ chức, không để xãy ra tình trạng giải quyết trễ hẹn.

2. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo cán bộ, công chức phụ trách theo dõi công tác CCHC ở cơ quan, đơn vị mình tham mưu xây dựng, Kế hoạch, báo cáo theo định kỳ đầy đủ nội dung, số lượng và thời gian yêu cầu.

3. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ:

- Thực hiện triệt để việc gửi các văn bản điện tử qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (các văn bản phải thực hiện chữ ký số) và thường xuyên vào Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (hộp thư văn bản đến) của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để nhận văn bản. Theo quy định tại Điều 9 Chương III Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của UBND huyện quy định cụ thể những loại văn bản bắt buộc áp dụng trong cơ quan nhà nước.

- Chỉ đạo cán bộ làm công tác văn thư kiểm soát chặt chẽ khi ban hành văn bản điện tử phải có chữ ký số nếu không không được phép ban hành qua môi trường mạng.

- Thường xuyên chỉ đạo CBCCVC của mình theo dõi, xử lý và giải quyết các công việc được giao trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

- Rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc cấp tài khoản cho cán bộ, công chức đăng nhập vào hệ thống  xác thực tập trung (SSO) còn thiếu, không phù hợp đối tượng.

          4. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn; niêm yết công khai, đầy đủ, đúng quy định các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

5. Chủ động, triển khai kịp thời khi có các văn bản QPPL của tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.

6. Kịp thời đăng tải các tin bài về cải cách hành chính trên Trang thông tin điện tử huyện.

7. Đối với các xã có Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại: lãnh đạo đơn vị cần chỉ đạo cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị mình phải thực hiện giải quyết các TTHC đảm bảo đúng quy trình (gồm: cập nhật đầy đủ hồ sơ, thiết lập đầy đủ quy trình, tiếp nhận hồ sơ có file số hóa, luân chuyển hồ sơ có file đính kèm “đối với hồ sơ liên thông”, kết quả hoàn thành có kèm file).

8. Thường xuyên rà soát các TTHC thuộc lĩnh vực của đơn vị mình nhằm kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho nhân dân nhằm hướng tới một nền hành chính đơn giản, chính xác, nhanh chóng và tiện lợi. Đồng thời chọn lựa những TTHC thuộc lĩnh vực của đơn vị nhằm cải tiến về thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết để đưa vào tiếp nhận và giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho người dân nhưng vẫn đảm bảo theo quy định.

9. Tiến hành rà soát lại việc xây dựng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại UBND huyện và ở 11 xã, thị trấn.

10. Tiếp tục triển khai và tăng cường tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích đến toàn thể công dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

11. Bố trí công việc để CCVC có thể đồng thời chủ động làm việc chuyên môn và trực đầy đủ tại Trung tâm Hành chính công huyện.

12. Tiếp tục rà soát chức danh, số lượng, trình độ của cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng các chế độ chính sách đảm bảo đúng quy định; Tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận để thực hiện tốt Nghị định 108 về tinh giảm biên chế.

13. Tiếp tục triển khai thực hiện phần mềm cơ sở dữ liệu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND huyện; cán bộ, công chức các xã, thị trấn đảm bảo nhập dữ liệu đầy đủ khi có thay đổi.

14. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại 03 đơn vị là Thị trấn Khe Tre, Thượng Long, Thượng Nhật.

15. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Trưởng phòng các cơ quan chuyên môn thuộc huyện chỉ đạo công chức có liên quan trong việc lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về CCHC để phục vụ việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC trong năm 2019; đối với các phòng ban chuyên môn thuộc huyện thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại theo Quyết định số 363/QĐ-UBND ngày 16/4/2018 của UBND huyện về quy định đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện; đối với các xã, thị trấn thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại theo Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 16/4/2018 của UBND huyện về quy định đánh giá, xếp loại công tác CCHC của UBND các xã, thị trấn.

Các phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn hóa - Thông tin, Thanh tra huyện, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Trung tâm Hành chính công huyện, Nội vụ, Tư pháp chuẩn bị báo cáo, tài liệu kiểm chứng theo phụ lục 2 Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố nộp về UBND huyện (qua Phòng Nội vụ huyện) trước ngày 30/10/2019 tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

16. Không ngừng đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tập tin đính kèm:
UBND huyện Nam Đông
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.886.783
Truy cập hiện tại 694