Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chính sách quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Ngày cập nhật 20/09/2021

Hệ thống quản lý pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị trong những năm gần đây, đã tạo khung pháp lý để các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan hoạt động.

Quy hoạch quản lý chất thải rắn

Quy hoạch quản lý chất thải rắn là công tác điều tra, khảo sát, dự báo nguồn và tổng hợp phát thải các loại chất thải rắn; xác định vị trí, quy mô các điểm thu gom, trạm trung chuyển, tuyến vận chuyển và các cơ sở xử lý chất thải rắn; xác định phương thức thu gom, xử lý chất thải rắn; xây dựng kế hoạch và nguồn nhân lực nhằm xử lý triệt để chất thải rắn. Từ năm 2007, theo quyết định và hướng dẫn về lập quy hoạch quản lý chất thải rắn tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn, các địa phương đã tập trung thực hiện lập quy hoạch.

Tính đến 2018, cả nước đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, đạt tỷ lệ trên 90%.

Song song với việc hoàn thiện lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, các tỉnh/thành phố đều đang đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư trên khả năng thực hiện quy hoạch. Nhiều dự án đầu tư của các thành phố, thị xã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA đó là một thuận lợi lớn, thể hiện chính sách ưu tiên của nhà nước và các địa phương.

Lập và thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp tỉnh là điều kiện tiên quyết trong quản lý chất thải rắn. Điều quan trọng là UBND cấp tỉnh cần đưa ra quan điểm của mình khi đề ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh. Việc xác định mạng lưới thu gom, tập kết, trung chuyển, mạng lưới địa điểm các bãi chôn lấp, các cơ sở xử lý, cần chú ý đến công nghệ chôn lấp, tái chế, khả năng tiết kiệm đất đai, nhất thiết không quy hoạch theo địa giới hành chính vì tìm địa điểm cho khu xử lý chôn lấp chất thải rắn là cực ký khó. Các khu đô thị cần quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn có tính đến khả năng sử dụng công nghệ cao và các cơ sở xử lý, tái chế hiện đại.

Đặc điểm của quy hoạch đô thị đối với thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn có nội dung phù hợp với quy định. Tuy nhiên các nội dung đối với vị trí, quy mô các điểm thu gom chất thải rắn còn ít cụ thể như: Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến 2030; thành phố Cần Thơ, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa…

phan tich mot so van de chinh sach quan ly chat thai ran sinh hoat
Triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, bất cập.

Quản lý chi phí chất thải rắn sinh hoạt

Ngày 16/10/2013, Chính phủ đã ban hành nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thay thế Nghị định số 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung quan trọng của nghị định 130/2013/NĐ-CP là phân loại sản phẩm, dịch vụ công ích cụ thể là dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng theo danh mục B; các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đấu thầu, trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng. Đây là vấn đề mới quan trọng mà các cơ quan chức năng và các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng cần phải quan tâm để tiến hành các bước triển khai tiếp theo cho phù hợp.

Về cơ chế quản lý chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trên thực tế, kể từ giai đoạn trước năm 2002, Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý chi phí thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Việc quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở các địa phương do các địa phương tự vận dụng các quy định về chi tiêu của Bộ Tài chính và định mức dự toán công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải do Bộ Xây dựng ban hành. Do vậy, giai đoạn trước năm 2002, do chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý chi phí nên vai trò quản lý thống nhất của nhà nước chưa được phát huy. Việc xác định chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở mỗi địa phương có sự khác biệt nhau.

Để đảm bảo thống nhất trong nguyên tắc và nội dung xác định đơn giá, quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên phạm vi toàn quốc, ngày 30/12/2002 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 05/2002/TT-BXD hướng dẫn về việc lập và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công ích. Thông tư số 17/2005/ TT-BXD ngày 01/11/2005 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2002/TT-BXD và Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008.

Hệ thống định mức công tác thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị được từng bước hoàn thiện. Để cụ thể hóa các căn cứ xây dựng đơn giá, dự toán công tác dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo cơ chế quản lý chi phí đã quy định, Bộ Xây dựng đã triển khai việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các định mức liên quan trong dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Giai đoạn đầu tư dự án xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 323/QĐ-BXD ngày 06/4/2012 công bố xuất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Giai đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nội dung chủ yếu của định mức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị.

phan tich mot so van de chinh sach quan ly chat thai ran sinh hoat
Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đặt mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở định mức dự toán dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn được Bộ Xây dựng công bố, các địa phương đã tiến hành xây dựng và ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của địa phương.

Ngoài ra, tại một số địa phương, tùy thuộc vào tình hình thực tế đã chủ động xây dựng được một số định mức dự toán cho công tác xử lý chất thải rắn theo từng loại hình công nghệ xử lý mà địa phương áp dụng để phục vụ cho việc xác định đơn giá của công tác thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị.

Cơ chế tài chính cơ bản góp phần đảm bảo chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Giá dịch vụ. Theo quy định của Luật giá thì Nhà nước chỉ điều tiết giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ theo quy định để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích pháp luật của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước. Giá các loại hàng hóa, dịch vụ còn lại được hình thành do các nhân tố chi phối, vận động của thị trường quyết định. Về nguyên tắc định giá, giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn được xác định bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hoàn thành công việc theo quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật và phù hợp với tình hình của địa phương. Không tính trong giá dịch vụ các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Dịch vụ thu gom, xây dựng và xử lý chất thải rắn không do nhà nước quản lý giá, chủ nguồn thải và cơ sở tiếp nhận thu gom, vận chuyển, xử lý thỏa thuận theo hợp đồng dịch vụ và phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, ngân sách nhà nước địa phương trả chi phí cho cơ sở nhận thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên cơ sở hợp đồng dịch vụ. UBND cấp tỉnh ban hành đơn giá, phê duyệt dự toán dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn làm cơ sở đấu thầu thực hiện dịch vụ. Giá trị hợp đồng dịch vụ được xác định trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua kết quả đấu thầu.

Phí vệ sinh môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác công nghệ dịch vụ được quy định thu phí.

Phí vệ sinh: Tại thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/1/2014 hướng dẫn phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, phí vệ sinh là khoản thu bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn địa phương. Mức thu phí có thể được phân biệt theo các đối tượng là các cá nhân cư trú, hộ gia đình, đơn vị hành chính, sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nơi tổ chức hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải theo quy định cho phù hợp. Phí vệ sinh do UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng để trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu phù hợp, bảo đảm bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.701.307
Truy cập hiện tại 652