Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp lớn ở nhiều quốc gia đang tích cực "chạy đua" nắm bắt và tận dụng các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam với nền tảng công nghệ thông tin phát triển được đánh giá có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này, tạo đà cho nền kinh tế số.
Công nghệ hàng đầu thời 4.0
Tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI và blockchain trong kết nối thị trường và thanh toán trực tuyến" do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Không như cuộc cách mạng trước đó chủ yếu dựa trên ứng dụng máy móc để hợp lý hóa hoạt động sản xuất hàng loạt, sự tiến bộ KH&CN lần này hứa hẹn là cuộc cách mạng tự động hóa thông qua khả năng tiếp cận thông tin số thay vì sử dụng lượng lớn nguồn nhân lực để duy trì các quy trình sản xuất công nghiệp.
Trong số những công nghệ của cuộc cách mạng này, tiềm năng ứng dụng AI và blockchain trong việc nâng cao hiệu quả đối với kết nối thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngành tài chính, ngân hàng rất lớn do những công nghệ này đều hoạt động trên nguyên tắc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng giải quyết những vấn đề của các ngành cụ thể. Vì vậy, AI và blockchain được dự báo sẽ trở thành những công nghệ đầu ngành trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
"Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể trở thành trung tâm công nghệ của khu vực trên thế giới và là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh. Việt Nam với lợi thế lớn là con người thông minh, cần cù, sáng tạo với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cởi mở đang đứng trước cơ hội lớn nắm bắt các công nghệ mới như blockchain, AI, thực tế ảo..., tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc.
Mở rộng ứng dụng
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước như FPT, VinGroup, VNPT… đã có những bước khởi đầu trong việc tiến hành nghiên cứu và ứng dụng AI, blockchain để nhanh chóng hòa nhập vào xu thế phát triển công nghệ của thế giới và đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng, Việt Nam cần rất nhiều dữ liệu, năng lực kết nối dữ liệu, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đại diện Công ty Cổ phần Sao Bắc Đẩu cho hay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiến tới nắm bắt, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, trong truy xuất nguồn gốc nông sản, năm 2018, một số sản phẩm nông sản như xoài, thanh long... xuất khẩu của Việt Nam đã được ứng dụng công nghệ blockchain, đem lại giá trị cao và thương hiệu đặc trưng của nông sản Việt.
Trên thực tế, nông sản Việt tuy đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu chưa thực sự cao. Lý do là thiếu thông tin về thị trường, chất lượng không đồng đều, bởi công nghệ chế biến, quản lý chất lượng, cũng như bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa đạt hiệu quả tối ưu. Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đã mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, dữ liệu đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng AI thành công hay thất bại. Đây được ví như nguồn "dầu mỏ" cực quý giá của những người làm AI, nhất là người làm AI tại Việt Nam. Tuy nhiên, những dữ liệu cá nhân người Việt Nam hầu hết đều nằm trong tay các công ty nước ngoài, do chúng ta dùng nền tảng chia sẻ dữ liệu là của nước ngoài như Facebook, Google... Bên cạnh đó, dữ liệu Việt Nam hiện nay đang có tình trạng "cát cứ" và không chuẩn hóa./.
Liên kết nguồn tin:
https://congthuong.vn/blockchain-va-tri-tue-nhan-tao-tao-da-cho-nen-kinh-te-so-121000.html