Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số
Ngày cập nhật 28/09/2022

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (25/5), Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) chính thức khai mạc. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Hợp lực chuyển đổi số phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2022 - Ảnh: VGP/HM

Tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2022 diễn ra trong 2 ngày 25-26/5, với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”. Hơn 150 diễn giả sẽ tập trung bàn thảo tại 18 phiên hội nghị bao gồm 1 phiên khai mạc và 18 phiên chuyên đề, thiết kế theo 4 trục: Chính phủ số, kinh tế số, doanh nghiệp số và chuyển đổi số tại châu Á.

Bên cạnh các phiên hội nghị chính còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số (trực tiếp & trực tuyến). 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Hợp lực giữa bộ, ngành với bộ, ngành, địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam.

"Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain... và nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số", ông Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD), năm 2019, kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nắm bắt xu thế này, một số nước nhận ra cơ hội, đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình.

Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025. 

Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

http://baochinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.674.270
Truy cập hiện tại 281