Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam
Ngày cập nhật 09/05/2024

Ngày 24/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Hội làm vườn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam”.


Toàn cảnh hội thảo

 

Theo báo cáo tại hội thảo, cây có múi hiện là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta, tổng diện tích cây có múi cả nước đến hết năm 2022 đạt 262,179 nghìn ha, chiếm 21,47% tổng diện tích cây ăn quả; tiếp theo lần lượt là nhóm nhãn, vải, chôm chôm (12,89%); chuối (12,86%); xoài (9,48%); sầu riêng (9,18%)... Quả có múi ở nước ta (đặc biệt là cam, quýt) hiện chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính. Hai loại quả tham gia đóng góp xuất khẩu chủ yếu là bưởi và chanh.

Tổng giá trị xuất khẩu quả có múi từ năm 2015 liên tục tăng, từ 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm chanh và bưởi (chiếm khoảng 95-99,5%). Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều chủng loại cây ăn quả, với nhiều cây ăn quả đặc sản từ ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới tại các vùng miền khác nhau. Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Nhờ việc nghiên cứu áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ, chọn tạo giống tốt, đến nay, cả nước đã có khoảng 50 chủng loại cây ăn quả, quy mô diện tích trên 1,2 triệu hecta, tổng sản lượng hàng năm hơn 13,5 triệu tấn; đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cho cây có múi đang gặp nhiều rào cản. Cùng với sự biến động về diện tích, sản lượng trong những năm gần đây, sản xuất và phát triển cây có múi của nước ta đang gặp một số hạn chế, thách thức: Cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống có mẫu mã, chất lượng chưa cao, giống thoái hóa, có nhiều hạt,… Chi phí, giá thành cao làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi, khó khăn cho công nghiệp chế biến.

Đặc biệt,  gần đây, nhiều vùng trồng cây có múi trên khắp cả nước có biểu hiện suy thoái, chủ yếu do bệnh vàng lá thối rễ; ngoài ra có diện tích do già cỗi, vùng trồng không thích hợp, không đầu tư thâm canh…, người sản xuất phải phá bỏ, trồng thay thế mới bằng các giống cây ăn quả khác hiệu quả hơn, dẫn tới diện tích cây có múi suy giảm. Tổng diện tích suy thoái qua tổng hợp tại 19 tỉnh chủ yếu là hơn 16500 ha, nhất là diện tích cam giảm mạnh tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, ông Cường cho rằng các địa phương, doanh nghiệp trồng cây ăn quả có múi cần tập trung rà soát lại các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh. Tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng giống. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh... để kịp thời bổ sung cho sản xuất (trồng mới hoặc tái canh).

Thiết lập hệ thống sản xuất cây giống, cây có múi sạch bệnh theo quy trình nhà lưới 3 cấp phục vụ sản xuất tại các địa phương, vùng sản xuất tập trung. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, để sản xuất cây có múi hướng đến xuất khẩu, đơn cử cây cam, cần phải chọn cơ cấu giống theo hướng rải vụ thu hoạch như: Giống sớm, giống chính vụ, giống muộn, rải vụ thu hoạch theo vùng sinh thái và sử dụng các biện pháp xử lý trái vụ.

Đồng thời, phải căn cứ vào thị trường để định hướng giống phục vụ nội tiêu, xuất khẩu, ăn tươi, vắt nước cho phù hợp và hiệu quả. Từng bước có giải pháp trồng tái canh vùng cam đang bị suy thoái, già cỗi hiệu quả sản xuất không cao, trên cơ sở luân canh cải tạo đất, trồng đúng kỹ thuật và sử dụng giống đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc và sạch bệnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đánh giá cao nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp để xứ lý tình trạng thoái hóa vườn cây, đặc biệt là Hòa Bình.

“Việc suy thoái đất canh tác có rất nhiều nguyên nhân, do giống, do canh tác, do phân bón, nhưng có cả do chính chúng ta. Từ đây chúng ta cần nhìn nhận lại và xác định giải pháp căn cơ bền vững đưa cây có múi phát triển bền vững. Câu chuyện từ Hòa Binh, chúng ta cần tiến hành, rà soát đánh giá phân loại từng vấn đề một. Từ phân loại mới áp dụng được các nhóm giải pháp hiệu quả”, ông Doanh nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững, hiệu quả theo đúng định hướng sinh thái, nâng cao giá trị, đảm bảo xây dựng được thương hiệu quả có múi của Việt Nam, ông Doanh cho rằng, công việc đầu tiên các địa phương cần làm là cải thiện môi trường đất cho cây, từ hệ vi sinh, rễ cây, chất dinh dưỡng.

Đồng thời đề nghị Cục Trồng Trọt xem xét kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng đề án tái canh cây có múi, từ đẩy mạnh công tác cây giống mới, xây dựng mô hình canh tác đến con giống một cách bài bản, chuyên nghiệp./.

 

https://www.mard.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.922.414
Truy cập hiện tại 513