Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày cập nhật 21/03/2024

Trong bối cảnh những hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thảm khốc hơn, ngành khí tượng thủy văn đóng vai trò cung cấp thông tin nhằm triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Đây được xem là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nhân kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới 23/3, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. Đặc biệt, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão.

 

PV: Năm 2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động Ngày Khí tượng thế giới với chủ đề “At the frontline of climate action” (tạm dịch: Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu). Xin ông chia sẻ rõ hơn ý nghĩa “tiên phong” mà WMO muốn nhấn mạnh trong chủ đề năm nay, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Có thể nói rằng, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người và thực sự là mối hiểm họa không thể phủ nhận đối với toàn bộ nền văn minh nhân loại. Biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Ông Hoàng Đức Cường

Những hậu quả do BĐKH sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời ngay từ bây giờ và thực sự rất cần thiết phải có sự vào cuộc kịp thời của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới. Các thông tin số liệu theo dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân, chính phủ trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai. Mục đích nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Tổ chức Khí tượng thế giới cùng các thành viên của mình đã và sẽ luôn tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu, tận dụng kiến thức và am hiểu chuyên môn để vượt qua thách thức và đạt được sứ mệnh chung trên hành trình hợp tác và hướng tới một thế giới an toàn hơn, chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Với chủ đề “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu, WMO muốn nhấn mạnh thông điệp trọng tâm năm 2024: Công tác Khí tượng thủy văn đóng vai trò tiên phong, hết sức quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Cụ thể hơn, cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường, qua đó giúp cho chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay. Khí tượng thủy văn không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

PV: Một trong những yếu tố quan trọng để có thể tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu, đó là sự chủ động nắm bắt các yếu tố khí tượng thủy văn bất thường từ sớm và cảnh báo sớm, dự báo sớm. Ông có thể chia sẻ một vài dẫn chứng về hiệu quả của công tác này ở Việt Nam, thưa ông? 

Ông Hoàng Đức Cường: Cảnh báo sớm để hành động sớm đã trở thành phương châm hành động của ngành khí tượng thủy văn từ trước đến nay, không chỉ trong các tình huống thiên tai cụ thể mà xuyên suốt tất cả các ngày trong năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân.

Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn. Ví dụ như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay. Nhưng nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn, nhất là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục nên kết quả là thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với các năm hạn mặn lớn trước đây.

Hay như việc ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino hiện nay. Từ giữa năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nguy cơ thời điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 và giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó yêu cầu hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia đã tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn về tình hình El Nino, nắng nóng, hạn hán, nguồn nước trên phạm vi cả nước.

Thông tin về hiện trạng và dự báo nguồn nước đến các hồ chứa được cung cấp kịp thời đến lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình nắng nóng, hạn hán, nguồn nước, xâm nhập mặn, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Cụ thể, các địa phương được dự báo nằm trong khu vực ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, sử dụng các thiết bị để tích, trữ nước... Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng các phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa trên các lưu vực sông, nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện.

Ngoài các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai Tổng cục KTTV đã thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ nông nghiệp hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, người dân trong chỉ đạo và sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động của thời tiết, tăng năng suất và hiệu quả.

Ngành khí tượng thủy văn đóng vai trò cung cấp thông tin nhằm triển khai hệ thống cảnh báo sớm

PV: Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu phát triển ngành khí tượng thủy văn trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Mục tiêu phát triển của ngành KTTV đến năm 2030 hướng đến đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Đến năm 2030, ngành sẽ nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.

Dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường có độ tin cậy đạt 80-85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 06 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày.

Cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.

PV: Để tiên phong ứng phó với BĐKH thì công tác hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, trong đó có phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động là một vấn đề hết sức quan trọng . Vấn đề này sẽ được ngành triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Trong những năm qua, nhờ sự chú trọng đầu tư của Nhà nước và Chính phủ Hệ thống trạm quan trắc KTTV đã được nâng lên một cách đáng kể không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Ngoài hệ thống trạm trạm thống chúng ta đang sử dụng, số lượng các trạm quan trắc tự động cũng đã tăng. Điều giúp ích rất nhiều để dự báo viên có một cái nhìn khách quan hơn về thực tế thời tiết đang xảy ra, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp trong các bản tin dự báo, cảnh báo.

Bên cạnh việc đảm bảo duy trì họat động ổn định, các trạm KTTV truyền thống cung cấp số liệu cho công tác dự báo, cảnh báo ngành KTTV đã ưu tiên phát triển mạng lưới quan trắc KTTV tự động theo hướng hiện đại, đồng bộ thông qua các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hằng năm. Việc phát triển mạng lưới trạm KTTV tự động thường được ưu tiên cho các khu vực có mật độ trạm còn thưa, thường xuyên xảy ra thiên tai nhằm cung cấp kịp thời số liệu quan trắc thời gian thực phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Các trạm khí tượng, thủy văn và đo mưa tự động đã được đầu tư trong những năm qua góp phần cung cấp nguồn số liệu tương đối lớn và kịp thời phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV.

Một trong những giải pháp để tăng cường nguồn lực cho hiện đại hóa ngành KTTV là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động. Khi đó, thay vì phải đầu tư trang thiết bị, con người, kinh phí phục vụ vận hành thì các công việc này được chuyển giao cho khối doanh nghiệp tư nhân . Ngành KTTV chỉ thuê các thiết bị này để lấy các thông tin dự báo điều này sẽ giảm chi phí hệ thống.

Đến nay, tổng số trạm đo mưa tự động đã được đầu tư xã hội hóa là gần 1.400 trạm. Cần quan tâm phát triển hình thức này để tăng thêm nguồn lực cho hệ thống quan trắc đủ dày phục vụ cho việc phát triển các mô hình dự báo giành riêng cho Việt Nam.

Thiết bị đo mưa tự động trong vườn khí tượng

PV: Trong quá trình cảnh báo, dự báo thiên tai KTTV, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Do tác động của biến đổi khí hậu nên những năm gần đây thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ngày càng phổ biến, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Dự báo xu thế thiên tai này còn tiếp tục trong thời gian tới theo hướng cực đoan và bất thường hơn. Thực tế này đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn phải không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Với nhu cầu của xã hội đối với thông tin KTTV ngày càng chi tiết-định lượng hơn. Ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão.

Từ các hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động. Cụ thể tính đến nay đã bổ sung được thông tin quan trắc từ hơn 2000 trạm tự động gần như thời gian thực (đo đạc 10 phút một lần). Cùng với đó, các hệ thống quan trắc radar thế hệ cũ đã được thay thế một cách đồng bộ bằng các radar thế hệ mới của Nhật Bản, Phần Lan, cùng với đó là trang bị các radar với khả năng di động để phục vụ việc bổ khuyết các điểm thiếu hụt quan trắc và di chuyển đến các điểm có khả năng xảy ra thời tiết cực đoan như khu vực Bão đổ bộ. Bên cạnh đó, các loại quan trắc thám sát mới đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo thời tiết nguy hiểm tức thời từ hệ thống định vị sét toàn cầu từ vệ tinh và hệ thống định vị dông sét mặt đất hiện đại của Phần Lan.

Đối với việc ứng dụng công nghệ dự báo số,  từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy-đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết-phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV

PV: Thưa ông, ngoài sự nỗ lực của ngành khí tượng thủy văn thì điều kiện tiên quyết là phải có quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và cả những người dân để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Theo ông, các bên cần chú trọng vấn đề gì để có thể vận dụng tốt những thông tin khí tượng thủy văn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Hoàng Đức Cường: Để có thể vận dụng tốt những thông tin khí tượng thủy văn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Điều này được nêu rõ tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương và người dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh. Công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phối hợp với ngành khí tượng thủy văn chia sẻ và kết nối liên thông thông tin, dữ liệu; xây dựng các phương tiện, nền tảng công nghệ tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền và người dân tiếp cận được thông tin khí tượng thủy văn, đặc biệt là ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, ngành khí tượng thủy văn đang tiến tới dự báo dựa trên tác động, bằng cách cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể hơn về các rủi ro tiềm ẩn mà thiên tai đó ảnh hưởng cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội hay cho chính người dân trên địa bàn dự báo sẽ có thiên tai ảnh hưởng. Từ đó, thúc đẩy các hành động ứng phó sớm, giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Để thực hiện được dự báo dựa trên tác động, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chia sẻ những thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai như: các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hầm mỏ khai thác khoáng sản, các công trường xây dựng… cho các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, để góp phần hỗ trợ hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả.

 

https://www.monre.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.855.582
Truy cập hiện tại 762