Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập
Ngày cập nhật 16/09/2020

 

 

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiểnsáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

 

 

Toàn cản phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, an ninh nguồn nước là một cách tiếp cận quản lý nước được các quốc gia trên thế giới thực hiện gồm 4 thành tố chính.

Cụ thể, thứ nhất là, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái nước ngọt bền vững. Thứ hai là, bảo đảm nhu cầu nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất. Thứ ba là, mọi người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý. Thứ tư là người dân được bảo vệ trước rủi ro liên quan đến nước.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đã tiếp cận đầy đủ 4 yếu tố này trong pháp luật về tài nguyên nước; thủy lợi; phòng, chống thiên tai; đê điều; lâm nghiệp; điện lực, khí tượng thủy văn…

Về lượng trữ nước, Việt Nam là quốc gia có lượng nước tương đối phong phú; có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm; lượng mưa bình quân khoảng 1.940-1.960 mm/năm - thuộc quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới (tương đương với khoảng 640 tỷ m3); nguồn nước ngầm có trữ lượng khai thác khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tương đương khoảng 5,7% tổng lượng nước mặt.

Tuy nhiên, trữ lượng nước đang bị tác động bởi các yếu tố như: lượng nước biến động lớn theo mùa, theo vùng, lưu lượng dòng chảy thay đổi nhiều trong năm, biên độ dao động lớn giữa các mùa; lượng nước trên các sông, suối đang có xu hướng giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trữ lượng nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài (63% lượng nước ở ngoài lãnh thổ). Lòng dẫn một số sông bị hạ thấp do tác động từ thượng nguồn, do thiếu phù sa bồi lắng và các hoạt động khai thác cát, sỏi... Mức tích nước của nhiều hồ chứa còn thấp so với thiết kế (ở các hồ chứa lớn tích 40-67% so với dung tích thiết kế; các hồ chứa nhỏ chỉ ở mức 30%).

Đề cập tới công tác quản lý an toàn hồ, đập, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho rằng, cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3; trong đó, có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3.

Đối với các hồ chứa nước lớn và vừa thì chất lượng công trình cơ bản được bảo đảm; đối với hồ chứa nhỏ chất lượng xây dựng còn hạn chế. Mặc dù được Chính phủ và các địa phương quan tâm, bố trí đầu tư gần 16.000 tỷ đồng nên đã sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho hơn 800 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, do số lượng đập, hồ chứa hư hỏng nhiều nên cần một nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy trì.

Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách; 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ.

Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt dù Luật Thủy lợi và Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn hồ đập quy định nguyên tắc an toàn hồ đập là ưu tiên cao nhất trong xây dựng, vận hành, quản lý khai thác và các cơ quan chức năng, chủ hồ, đập nỗ lực thực hiện nhưng từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa. 

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng đề xuất xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội làm cơ sở cho việc thực hiện vấn đề rất quan trọng, cấp thiết này và chỉ đạo Chính phủ xây dựng lộ trình thực hiện.  

Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho hồ, đập để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; xem xét đưa vào kế hoạch 5 năm 2021-2025 những mục tiêu cấp bách; bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở của đề nghị của Ủy ban, đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc giao Chính phủ xây dựng đề án về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập và phải bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn để có tầm nhìn tới 2030. 

Đồng thời, giao cho Chính phủ căn cứ tình hình thực tế nghiên cứu sửa đổi một số luật như Luật Tài nguyên nước, Luật Điện lực, Luật Giá và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

 

Nguồn: http://chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.705.241
Truy cập hiện tại 632