Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Để đảm bảo ASXH cần chăm lo tốt cho lao động phi chính thức
Ngày cập nhật 31/08/2020
 
 

“Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch Covid-19. Nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lực lượng lao động này sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương với Bộ LĐ-TBXH do đồng chí Triệu Tài Vinh – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn về tình hình triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực lao động, việc làm, diễn ra sáng ngày 26/8, tại Hà Nội.

Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lao động, việc làm
Báo cáo về tình hình triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lao động, việc làm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết: Kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/01/2010 về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, tính đến tháng 8/2020 cả nước có tổng số 93.720 lao động nước ngoài đang làm việc. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đảm nhiệm được. Tỷ lệ nhà quản lý, giám đốc điều hành là 44,07%, tỷ lệ lao động kỹ thuật là 22,05% và số còn lại là chuyên gia.
Phần lớn các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài đều chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 05 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư, 04 Thông tư liên tịch (Giai đoạn 2019-2020, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Về công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/T, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Kế hoạch số 76-KH/BCSĐ ngày 30/7/2013 về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
 Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 15.773.928 người tham gia BHXH, bằng 32,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: BHXH bắt buộc là 15.199.985 người, bằng 31,1%; BHXH tự nguyện là 573.943 người, bằng 1,2%. Có 13.429.401 người tham gia BHTN, bằng 27,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết chế độ BHXH luôn đảm bảo đẩy đủ và kịp thời.
Về công tác quản lý lao động phi chính thức, tính đến năm 2018, số lao động phi chính thức ở Việt Nam là 19,3 triệu người, chiếm 35,6% lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động phi chính thức là 56,2%.Tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ có 4,8 triệu đồng/tháng (bằng 2/3 tiền lương của lao động chính thức là 6,9 triệu đồng/tháng).
Các chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức bao gồm: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách việc làm công; Chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc (Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm); Các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều Chương trình, dự án lớn trên phạm vi cả nước như: CTMT quốc gia về việc làm qua các giai đoạn; CTMT GDNN-Việc làm và ATLĐ giai đoạn 2016-2020; CTMT quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;...
16,8 triệu người được thụ hưởng từ gói hỗ trợ ASXH 62 nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ LĐ-TBXH là Bộ quản lý đa dạng với 14 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người. Riêng về lĩnh vực lao động, cả nước có khoảng 55,4 triệu người, trong đó lao động phi chính thức chiếm khoảng 56%.
IMG-2756.JPG
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc
Đối với lao động chính thức, các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan tương đối đồng bộ. Trong đó thể chế hoá là Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết 28–NQ/TW về chính sách Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua với cách tiệm cận mới trong quan hệ lao động, công đoàn, thương lượng tập thể… đã tạo thị trường lao động tương đối đồng bộ và toàn diện.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thách thức đặt ra hiện nay chính là lực lượng lao động phi chính thức. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội đất nước nhưng cũng lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro và ít được thụ hưởng chính sách nhất. Điều đó được thể hiện rõ thông qua đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi tháng có khoảng 80.000 - 90.000 người tham gia vào thị trường lao động. Riêng lực lượng lao động có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 11.000 người/tháng. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 4 – 5, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng bởi doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Từ đó dẫn đến tình trạng lao động bị ngưng việc, giãn việc, mất việc.
Về việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ ASXH 62.000 tỷ đồng đợt một được kết cấu từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả tiền mặt và các chính sách hỗ trợ khác.
Đến nay các địa phương đã phê duyệt danh sách các đối tượng được thụ hưởng lên tới 16,8 triệu người. Số giải ngân qua kho bạc gần 12.000 tỷ đồng, trích từ 36.000 tỷ đồng tiền mặt trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác của gói 62.000 tỷ đồng như: Tạm dừng đóng BHXH, chi trả trợ cấp thất nghiệp…
Anh-2b---2334.jpg
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch.
Trước tình hình đó, Bộ đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Tập trung hỗ trợ vào nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Bởi theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ LĐ-TBXH trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lao động, việc làm. Bộ LĐ-TXH đã có chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, các kết quả thực hiện trong từng lĩnh vực được thể hiện rõ ràng.  Đặc biệt Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đề nghị hai bên cùng đôn đốc, giám sát thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến các vấn đề về lao động, thương binh, xã hội trong đó đặc biệt quan tâm chính sách đối với lực lượng lao động phi chính thức trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, sự dịch chuyển lao động giữa khu vực phi chính thức và chính thức, lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội. 

 

Nguồn: sldtbxh.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.757.373
Truy cập hiện tại 504