Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Quản lý hiệu quả tài nguyên nước: Chìa khoá cho hoà bình, ổn định và phát triển
Ngày cập nhật 21/03/2024

Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đã có cuộc trao đổi về chủ đề và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2024 tại Việt Nam.

 

PV: Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình”. Thông điệp “hòa bình” được phát ra trong bối cảnh an ninh nguồn nước thế giới đang gặp nhiều thách thức, nhấn mạnh quyền con người trong tiếp cận nước và vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Minh Khuyến: - Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 3 -14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993 và mỗi năm có một chủ đề nhằm, quản lý nguồn nước một cách tiết kiệm nhất có thể.
Ngày Nước thế giới 22/3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến
Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, các quốc gia phải đoàn kết, cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, cân bằng lợi ích từ nước đối với các quốc gia sử dụng chung nguồn nước dó đó nó là động lực ổn định, là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững và là “Nước cho hòa bình”.
Ủng hộ chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ “... Hiện, hàng tỷ người vẫn chưa có nước sạch và nhà vệ sinh. Do đó, chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh mà còn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần đoàn kết xung quanh nước và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn".
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh gồm cả sông xuyên biên giới; 3.045 sông, suối nội tỉnh, các hệ thống sông lớn đều là sông xuyên biên giới như sông Hồng, Mã, Sê San, Srepork, Mê Kông (Cửu Long),.. Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2024 càng nhắc chúng ta phải tăng cường hợp tác chia sẻ trong việc khai thác nguồn nước liên quốc gia trên các sông xuyên biên giới như sông Mê Kông, sông Hồng, sông Mã, sông Sê San, Srepork; đồng thời cần tiếp tục hành động để xây dựng các chiến lược và chính sách quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hài hòa và phồn thịnh.
PV: Nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang gặp những thách thức lớn gì? Những thách thức này đòi hỏi những đổi mới về thể chế, chính sách cũng như quản lý, Luật Tài nguyên nước mới được thông qua có những điểm mới gì nhằm bảo vệ nguồn nước, đảm bảo quyền tiếp cận nước của người dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông, hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Những thách thức này đòi hỏi cần phải có những đổi mới về thể chế, chính sách cũng như quản lý. Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Và cụ thể tại 10 điểm mới quy định về: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; Điều hoà, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Trong các điểm mới đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”; và quy định chính sách của Nhà nước, trong đó có “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.
Ngày Nước thế giới 2024: Nước cho hoà bình
PV: Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia với quan điểm “nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước”. Soi chiếu với chủ đề “Nước cho hòa bình” của Ngày nước thế giới năm nay ta thấy nhiều điểm tương đồng. Vậy thực tế, việc triển khai Quy hoạch này trong hơn một năm qua đã đạt được những kết quả nào nhằm nâng giá trị tài nguyên nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, quy định chức năng của nguồn nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thực tế, việc triển khai Quy hoạch này trong hơn một năm qua bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể. Một ví dụ rõ hơn việc triển khai thực hiện bản Quy hoạch này trong thời gian vừa qua có thể thấy là tính chủ động, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bên nhằm ứng phó, giảm thiểu tình trạng thiếu nước ở một số khu vực, vùng và lưu vực sông trong mùa khô. Điều này đã giúp cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương, đồng thời làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế địa phương trước những rủi ro do nước và tác động của biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia cùng với báo cáo tài nguyên nước quốc gia là những tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tài nguyên nước nước được nâng cao, thông tin, dữ liệu về ngành nước được thúc đẩy, đồng bộ, nhất quán và hoàn thiện hơn. Vì thế, nhìn nhận về giá trị tài nguyên nước được tăng cường.
Quản lý nước tốt là chìa khoá cho hoà bình 
PV: Việc tổ chức Ngày Nước thế giới là một dịp truyền thông nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của nước, đồng thời cũng là dịp để phổ biến chính sách, pháp luật tài nguyên nước, lối sống tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt tới toàn dân. Là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, Bộ TN&MT có kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Trong tháng ba có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Để hưởng ứng các hoạt động này, Bộ TN&MT đã tổ chức phát động và trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan có liên quan, trình Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, trong đó có kèm theo các tài liệu tuyên truyền như pano, khẩu hiệu, thông điệp,...
Đồng thời Bộ khuyến khích các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức tuyên truyền trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời tiết, khí hậu, khai thác sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Bộ giao cho các đơn vị liên quan tập trung, chú trọng triển khai thực hiện để sớm đưa Luật vào thực tiễn.

 

https://www.monre.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.674.288
Truy cập hiện tại 284