Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Giao sổ bảo hiểm cho người lao động-Quyền lợi và vấn đề đặt ra
Ngày cập nhật 14/02/2019

(Chinphu.vn) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động có quyền được giữ sổ BHXH để quản lý, theo dõi quá trình đóng BHXH của chủ doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện các hợp đồng tín dụng.

Các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng cũng như người lao động nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.

Để hạn chế những tranh chấp phát sinh sau này liên quan đến vấn đề thế chấp sổ BHXH, cơ quan BHXH, các doanh nghiệp và bản thân các ngân hàng thương mại cần phải làm gì, cần phải có biện pháp như thế nào?

Để có thêm thông tin về vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giao sổ BHXH cho người lao động: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra”.

Các khách mời tham gia Tọa đàm:

Ông Trần Đình Liệu,  Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam;

Ông Trương Thanh Đức, Công ty Luật Pasico.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa ông Trần Đình Liệu, nhiều người lao động băn khoăn về việc hiện nay mức đóng BHXH của người lao động là bao nhiêu % tiền lương/ tháng và họ được hưởng những quyền lợi gì khi tham gia BHXH?

 

Ông Trần Đình Liệu: Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động, tổng mức đóng BHXH bắt buộc (gồm đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau, thai sản); bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); BHYT, áp dụng từ ngày 1/1/2018 là 32% mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng. Trong đó người lao động đóng 10,5% (gồm 8% BHXH, 1% BHTN và 1,5% BHYT), chủ sử dụng lao động đóng 21,5% (gồm 14% BHXH, 1% BHTN và 3% BHYT).

 

Hiện nay, ngành BHXH tổ chức thu và giải quyết chế độ chính sách. Chúng ta thấy hiện nay về quỹ dài hạn có quỹ hưu trí, quỹ tử tuất, quỹ BHYT, quỹ thất nghiệp theo Luật Việc làm, tiếp theo là quỹ an toàn lao động. Như vậy, khi tham gia BHXH, người lao động được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản; tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; trợ cấp thất nghiệp; chế độ hưu trí; khám chữa bệnh BHYT.

 

Theo Luật BHXH năm 2014, người lao động có quyền được giữ sổ BHXH? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mục đích cũng như ý nghĩa của quy định này?

 

Ông Trần Đình Liệu: Chậm nhất là đến hết 2020, ngành BHXH phải tập trung cấp sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử. Để đạt được mục tiêu này, ngành BHXH chuẩn bị các việc rà soát lại sổ giấy trước kia cơ quan BHXH cấp cho người lao động thể hiện thông tin về nhân thân và quá trình đóng BHXH của người lao động. Ngành BHXH phải đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu này với cơ sở dữ liệu tham gia BHYT hộ gia đình, để hoàn thiện cấp mã định danh. Trên cơ sở sổ BHXH trước kia, hiện nay, ngành BHXH đang hoàn thiện cập nhật cơ sở dữ liệu gốc này. Sổ BHXH bắt đầu từ 2017, cơ quan BHXH phải trả số cho người lao động. Theo đó, hằng tháng, chúng tôi phải xác định được thời gian đóng BHXH và cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

 

Khi người lao động tự giữ sổ BHXH thì sẽ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp BHXH cho mình hay không, tránh trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ tiền BHXH cho người lao động.

 

Bên cạnh đó, người lao động tự bảo quản sổ BHXH cũng biết được diễn biến quá trình đóng BHXH gồm: Chức danh nghề công việc, cấp bậc, chức vụ, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ đóng BHXH sẽ kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ cở, cơ quan BHXH để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bảo đảm khi sổ BHXH đến tay người lao động đầy đủ thông tin về nhân thân và quá trình đóng BHXH.

 

Hiện nay, có tình trạng sau khi được cầm sổ BHXH, một số  người lao động đã đem sổ BHXH thế chấp ngân hàng để thực hiện các khoản vay tín dụng. Đặc biệt, thông tin từ tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan BHXH tỉnh đã nhận được công văn từ ngân hàng đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ BHXH đi thế chấp. Hai vị khách mời có ý kiến như thế nào về thông tin này?

 

Ông Trương Minh Đức: Tôi cho rằng có một vấn đề pháp lý không rõ ràng trong trường hợp này. Cho đến giờ phút này, chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người ta vin vào cơ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch. Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật BHXH để cấm, không cho phép giao dịch. Khi chưa có quy định này trong luật thì cần có văn bản chỉ đạo ở hai phía. Thứ nhất, đó có phải là tài sản không, có giá trị để cầm cố thế chấp như một vật bảo đảm nghĩa vụ dân sự không? Ngân hàng không nên nhận. Việc cầm cố này không có giá trị pháp lý và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

 

Ông Trần Đình Liệu: Sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu thì mới được giải quyết chính sách. Ngân hàng nhận sổ cũng phải tìm hiểu chính sách pháp luật liên quan về việc sổ BHXH có giá trị với ngân hàng hay không? Khi cơ quan BHXH không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro. Quan điểm của tôi là việc cầm cố sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật.

 

Thưa ông Trần Đình Liệu, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác… Vậy trong trường hợp này, cơ quan BHXH có chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động (là tài sản của người lao động) cho ngân hàng không?

 

Ông Trần Đình Liệu: Người lao động tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH. Điều này có nghĩa là chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó, thân nhân của người đó mới được hưởng quyền lợi liên quan hoặc trong một số trường hợp là người được ủy quyền được nhận thay.

 

Do việc hưởng chế độ BHXH  mang tính đặc thù, gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu ngân hàng không được người lao động ủy quyền theo luật định thì cơ quan BHXH không thể chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động cho ngân hàng.

 

Thưa ông, trong trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại lên cơ quan BHXH của tỉnh khai báo mất sổ và xin cấp lại thì cơ quan BHXH có cấp lại không?

 

Ông Trần Đình Liệu: Theo quy định của pháp luật, nếu sổ bảo hiểm bị mất mà người lao động đề nghị thì cơ quan BHXH sẽ cấp lại, không có lí do gì người ta mất sổ mà cơ quan lại không cấp lại. Tại vì, khi cơ sở dữ liệu chúng tôi còn, anh chưa giải quyết chính sách, khi xác định cho anh đủ 20 năm hay đủ 10 năm thì chúng tôi xác định đúng trong cơ sở dữ liệu quản lý tập trung, cất giữ như tài sản của người lao động trong kho lưu trữ. Người lao động khi đến đề nghị giải quyết sẽ được giải quyết bình thường theo quy định của luật BHXH. Còn cơ quan BHXH không biết việc anh có thế chấp hay không thế chấp vì giao trách nhiệm người lao động toàn quyền quản lý, sử dụng, nên bây giờ, người lao động đến khai báo là mất hoặc rách hỏng thì chúng ta cấp lại, nhưng cũng cấp lại chỉ trên cơ sở xác định như thế.

 

Sổ điện tử là việc trong tương lai, còn theo quan điểm của hai ông, khi người lao động khai báo mất thì sẽ được cấp lại và pháp luật không có quy định cụ thể nào với hành vi thế chấp sổ. Như vậy có khi nào việc cấp lại sổ lại là việc góp phần “ủng hộ” hành vi gian dối (thế chấp sổ) và có những hành vi khác nữa mà mình chưa lường trước hết được không?

 

Ông Trần Đình Liệu: Pháp luật chưa cấm việc đó mà đang tạo điều kiện hết sức cho người lao động. Khi chúng ta chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa tất cả các sổ bảo hiểm, như thẻ BHYT chẳng hạn, trước đây có một thời gian khi cấp lại do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan thì cũng không thu tiền, cho nên sổ bảo hiểm cũng thế thôi. Đến một lúc nào đó, cơ quan BHXH sẽ trình cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Quốc hội sẽ thu, còn cứ để thế này thì tình trạng lạm dụng sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến kinh phí, đến nguồn quỹ.

 

Ông Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng chính việc cấp lại có khi lại làm các bên cầm cố ngại hơn, chứ chỉ cấp 1 lần thì họ yên tâm là chỉ có một sổ mà thôi. Việc cấp lại thì đúng nguyên tắc bình thường thôi , tất cả các giấy tờ cấp cho  người dân kể cả sổ tiết kiệm, sổ đỏ đều cấp lại, chỉ khác là thu phí hay không thu phí. Chỉ giấy tờ có giá như tiền, cầm giấy tờ đấy quy đổi ra tiền thì không ai cấp lại. Tôi nghĩ với sổ bảo hiểm thì nên thu phí để còn trang trải chi phí in sổ. Đến khi áp dụng giao dịch điện tử thì chúng ta tính đến việc không cấp lại nữa.

 

Thưa ông Trần Đình Liệu, nếu người lao động cố tình lạm dụng thì BHXH Việt Nam sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?

 

Ông Trần Đình Liệu: Cơ quan BHXH sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân cố tình khai báo gian dối như thế chấp sổ BHXH nhưng lại khai báo mất sổ để làm lại sổ mới, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

 

Có ý kiến cho rằng việc dùng sổ BHXH đem thế chấp là hợp lý nếu như có một bản thỏa thuận giữa 3 bên là BHXH của tỉnh, ngân hàng và người lao động. Luật sư Trương Thanh Đức nhận định như thế nào về ý kiến này?

 

Ông Trương Thanh Đức: Trường hợp này vì là thỏa thuận nên ngân hàng được quyền nhưng BHXH Việt Nam cần phải phát hiện ra và chấn chỉnh ngay nội bộ của mình dừng lại không được phép làm việc ấy. Nếu có cam kết rồi nhưng không hợp lý cũng không thực hiện, còn ngân hàng nếu muốn có thể kiện ra tòa tòa án là nơi xem xét cuối cùng. Nhưng nếu tôi là tòa án thì tôi sẽ không chấp nhận việc ấy

 

Vậy theo ông lý do gì mà ngân hàng thương mại đã thực hiện các hợp đồng vay đó?

 

Ông Trương Thanh Đức: Thứ nhất là nhận thức. Trước đây, rất nhiều ngân hàng đã nhận rất nhiều thứ kể cả thẻ Đảng, thậm chí có ngân hàng nhận thế chấp một cái giếng nước trong gia đình. Luật có khi không cấm nhưng việc này không thực tế, không khả thi; trường hợp này họ bị nhầm lẫn giữa tài sản và không phải tài sản.

 

Thưa ông Trần Đình Liệu, có khi nào BHXH lại ký  vào bản thỏa thuận ấy không?

 

Ông Trần Đình Liệu: Mình sống và làm việc phải theo Hiến pháp, pháp luật. Luật pháp cho phép thì làm còn Luật BHXH và các luật khác không cho phép thì không ai lại ký vào thỏa thuận trái pháp luật. Theo tôi, chắc chắn cơ quan BHXH không làm trừ khi tới đây luật sửa đổi, bổ sung và cho phép.

 

Ông Trương Thanh Đức: Đối với người dân, doanh nghiệp và cả các ngân hàng được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm nên những gì pháp luật không cấm thì họ cứ làm, còn có hợp lý hay không, có nên hay không và nên xử lý thế nào thì tính sau. BHXH là một cơ quan Nhà nước, một cơ quan hành chính thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, cho nên muốn làm được thì phải có thủ tục hành chính, phải có quy định của Chính phủ xác  nhận.

 

Thưa hai vị khách mời, các ông có lời khuyên hay chỉ dẫn nào cho người lao động để tự họ có ý thức hơn và không sử dụng sổ BHXH của mình  vào những mục đích phi pháp khác?

 

Ông Trương Thanh Đức: Người lao động nên xác định cái gì có thể vay tiêu dùng, những cái mà bảo đảm được thì chấp nhận còn những cái mà sau này nhà nước bảo đảm và quy định mức hưởng tối thiểu thì không nên tính đến mức mà mang đi xử lý để dẫn đến những hậu quả xấu trong cuộc sống.

 

Ông Trần Đình Liệu: Chính sách BHXH là chính sách an sinh, hướng đến những người yếu thế. Tôi cho rằng người dân, nhất là người đã cầm được quyển sổ đó thì không nên đi cầm cố để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài.

 

Về trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tiếp thu những vấn đề thực tiễn để cho quyển sổ BHXH có thể lo được những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động.

http://baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.884.609
Truy cập hiện tại 176