Đánh giá về quá trình phát triển trong 20 năm qua của ngành Địa chất và Khoáng sản, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, 20 năm qua là thời kỳ phát triển cả về lượng và chất: công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đạt nhiều kết quả nổi bật, công tác quản lý hoạt động khoáng sản đã dần đi vào nền nếp, đặc biệt đã thực hiện hết những nội dung đã nêu trong Luật Khoáng sản, điển hình như về kinh tế địa chất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản do Nhà nước đầu tư, tính tiền cấp quyền khai thác.
* Hàng loạt Nghị quyết, Luật được thông qua
Trong 20 năm qua, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, đó là: thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 1/3/1996 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010; Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó đã xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 (Nghị quyết số 10) về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 10 chắc chắn sẽ mở ra một trang sử mới giúp cho việc nghiên cứu cơ bản địa chất về khoáng sản hoàn thiện hơn, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Trong giai đoạn 2005 - 2021, ngành địa chất khoáng sản đã có 2 lần ban hành và sửa đổi Luật Khoáng sản, được Quốc hội thông qua như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (năm 2005) và Luật Khoáng sản (năm 2010). Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 Nghị định, Quyết định, các bộ, ngành liên quan ban hành 60 Thông tư, thực hiện Nghị định và quy trình kỹ thuật...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên (áo trắng) và đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” ở Kon Tum.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng trong quá trình thực thi, Luật Khoáng sản năm 2010 cũng vẫn còn bộc lộ một số điểm tồn tại, bất cập, chưa bắt kịp xu hướng vận hành và phát triển của xã hội. Quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, chế biến; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật do hoạt động khoáng sản gây ra.
Để thể chế hóa được những quan điểm, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện pháp luật về địa chất và khoáng sản, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những tồn tại, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản để ban hành thành Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất ở Trung ương cho lĩnh vực quản lý về địa chất, khoáng sản, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện nhiệm vụ lập hồ sơ trình Bộ TN&MT, sau đó Bộ trình Quốc hội thông qua Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đến nay, Bộ TN&MT đã tiếp nhận hầu hết các ý kiến của các bộ, ban ngành và hiện đang trình Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua hồ sơ dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) vào năm 2022 và sửa, trình Quốc hội thông qua Luật Khoáng sản (sửa đổi) vào năm 2024.
* Gia tăng khoáng sản trọng tâm, chiến lược cho đất nước
Song song với nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Tổng cục cũng đã triển khai việc lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch. Tổng cục đã gửi lấy ý kiến và đến nay, về cơ bản đã nhận được gần hết các ý kiến đóng góp của các bộ, ban ngành và các địa phương. Tổng cục cùng nhà tư vấn đã tiếp thu, chỉnh sửa đầy đủ và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT để Bộ trình và báo cáo Thủ tướng thành lập Hội đồng thông qua kết quả lập Quy hoạch theo đúng tiến độ và thời gian đề ra.
Đáng chú ý, trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã thực hiện đúng theo quy hoạch theo quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 23/7/2007 và số 1388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 13/8/2013 như: đã hoàn thành việc đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt hơn 80% diện tích đất liền, phát hiện hàng trăm điểm quặng có giá trị và nhiều điểm quặng đã chuyển sang điều tra đánh giá và thăm dò như sắt ở Tân An (Yên Bái), La Ê (Quảng Nam); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); đá ốp lát ở Gia Lai và nhiều nơi khác...
Đặc biệt, việc phát hiện quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Tum) là một trong 10 sự kiện của ngành TN&MT năm 2017. Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cũng đã hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 từ
0 - 30m nước, diện tích 18.388km2, đang thi công lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 trên diện tích hơn 266.000km2 từ 50 - 2.500m nước, đã phát hiện và khoanh vùng các khu vực có triển vọng sa khoáng titan và vật liệu xây dựng (cát, sạn) ở nhiều khu vực thuộc dải biển ven bờ từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời, hoàn thành công tác lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 15 tỉnh miền núi phía Bắc, điều tra cập nhật, bổ sung thông tin hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá cho 64 xã trọng điểm thuộc 7 tỉnh miền núi phía Bắc; thành lập bản đồ phông phóng xạ môi trường tỷ lệ 1:1.000.000, bản đồ môi trường phóng xạ tỷ lệ 1:250.000; về điều tra di sản địa chất: được UNESCO công nhận 2 công viên địa chất toàn cầu là Công viên địa chất non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông...
Trong lĩnh vực đánh giá khoáng sản, đã hoàn thành 21 đề án, một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu trên 500m (than nâu vùng Thái Bình - Nam Định, vàng Yên Sơn; đồng ở Bát Xát, Lào Cai; Kon Rẫy, Kon Tum). Trong đó, có các loại khoáng sản điển hình đã được xác định tài nguyên chắc chắn như: than nâu 6.700 ngàn tấn (trên diện tích 265km2); Urani oxit (8.600 tấn); sắt (650.000 tấn kim loại) và gần 2.300.000 ngàn tấn quặng sắt kiểu laterit; 1.870.000 ngàn tấn tinh quặng nhôm (bauxit); 557 triệu tấn tinh quặng titan; 61.000 ngàn tấn quặng Wolfram (WO3); đồng 81.000 ngàn tấn kim loại; felspat-kaolin 21.780.000 tấn quặng; cát trắng 10.400 tấn... Kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong 20 năm qua không chỉ góp phần tăng thêm tài nguyên các loại khoáng sản trọng tâm, chiến lược cho đất nước, phục vụ kịp thời hiệu quả cho các quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản, mà còn là cơ sở dữ liệu khoa học đối với các ngành kinh tế như giao thông, thủy lợi, khí tượng thủy văn, nông - lâm nghiệp...
“Hai nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn để giúp ngành Địa chất và Khoáng sản phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành, đó là khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, đồng thời giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn...” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.
Nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản sửa đổi được hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn giúp ngành Địa chất phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành.
* Tiến tới kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến khoáng sản
Bên cạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, các công tác về quản lý khoáng sản, thanh, kiểm tra cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, công tác quản lý khoáng sản, kinh tế địa chất - khoáng sản từ việc cấp phép thăm dò, khai thác đến công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ và đổi mới đã khuyến khích, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế có công nghệ khai thác hiện đại bảo đảm bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh - quốc phòng, sử dụng hiệu quả hợp lý tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, hài hòa lợi ích của người dân nơi có mỏ, dần loại bỏ cơ chế xin - cho mỏ tiến tới kinh tế xanh và tuần hoàn trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Kết quả về thu hồi chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản mà Nhà nước đầu tư, tiền cấp quyền khai thác trong những năm qua cả Trung ương và địa phương, Nhà nước thu vào ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng (trung bình 4.300 - 4.500 tỷ đồng/năm), thu tiền hoàn trả điều tra thăm dò nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ, những số liệu và kết quả nêu trên đối với mọi lĩnh vực quản lý của ngành Địa chất là niềm tự hào không của riêng ông, mà đó là sự đóng góp, niềm tự hào của hàng nghìn cán bộ công nhân viên địa chất không ngại khó khăn gian khổ, lao động miệt mài để tạo ra kết quả đáng trân trọng đó.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ngày một dày thêm trong suốt 20 năm qua và có sự kế thừa thành quả của ngành trong những năm trước đó góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngành Địa chất Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng cho ngành Địa chất và Huân chương Độc Lập hạng Nhất cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) vào năm 2010.