Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Cần xác định các hạn chế của Chương trình OCOP để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025
Ngày cập nhật 18/05/2022

Chương trình OCOP sau hơn 3 năm triển khai thực hiện trên toàn quốc đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Cả nước đã có hơn 5.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng 3 sao trở lên. Mặc dù Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự tham gia, đồng lòng ủng hộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân và đã đạt kết quả bước đầu, nhưng so với tiềm năng, lợi thế, kết quả này vẫn chưa tương xứng. Quá trình triển khai chương trình OCOP tại các địa phương cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Trước hết, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt là xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới theo hướng chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, các làng nghề và làng nghề truyền thống. Một số chủ thể tham gia Chương trình OCOP chưa chủ động, xem việc tham gia Chương trình là theo yêu cầu của địa phương, một số nội dung triển khai chu trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang nặng tính hình thức (phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, câu chuyện sản phẩm…). Công tác truyền thông còn hạn chế, cho nên nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nhiều địa phương chưa hiểu rõ ý nghĩa của sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Muốn các doanh nghiệp tham gia OCOP, ngành nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện đều phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện chu trình OCOP từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm. Rất ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động tìm đến để được hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia OCOP. Chính vì vậy, chương trình triển khai có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ. Trong khi đó, bộ máy tổ chức triển khai chương trình còn thiếu đồng bộ ở các địa phương, đội ngũ cán bộ tham mưu, triển khai còn thiếu và yếu. Một số địa phương coi Chương trình OCOP là của riêng ngành nông nghiệp, cho nên thiếu sự phối hợp, vào cuộc của các ngành liên quan. Số lượng sản phẩm OCOP mới phát triển mới chỉ chiểm khoảng 20% trong số 5.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; Yêu cầu nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP (gồm nhiều khía cạnh như ứng dụng khoa học công nghệ; hoàn thiện các quy chuẩn sản phẩm; khâu đánh giá, xếp hạng, gắn sao của các cấp địa phương…vvv) và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các bên có liên quan.

  

Nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện, đưa sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu chất lượng, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, khai thác hiệu quả thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào một số định hướng, cụ thể là: Thứ nhất, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Thứ ba, nâng cao vai trò chủ thể, sự chủ động của người dân, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đặc biệt là vùng miền núi, khó khăn. Thứ tư, tăng cường vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách của Nhà nước, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; Thứ năm, xác định xúc tiến thương mại là nền tảng, chuyển đổi số là động lực nhằm phát triển hiệu quả và bền vững sản phẩm OCOP, đặc biệt là tăng cường kết nối, nâng cao hình ảnh, giá trị của sản phẩm OCOP gắn với các kênh phân phối hiện đại, đặc trưng, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường trong bối cảnh mới.

 

Do vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP các chủ thể cần tập trung cải thiện về chất lượng, an toàn thực phẩm và xây dựng các giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt chú ý về: (1) Hình thành câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để nâng cao hình ảnh sản phẩm; (2) Cải thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm để nâng tầm giá trị sản phẩm, hình thành quà tặng, quà lưu niệm đặc trưng gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. Tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến, chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới; Thúc đẩy các giá trị về mặt chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường nhằm đa dạng sản phẩm; Nâng cao về năng lực marketing sản phẩm, đa dạng hóa về hình thức giới thiệu sản phẩm cho các chủ thể, đặc biệt là áp dụng công nghệ để tuyên truyền, tạo sức lan tỏa đối với sản phẩm OCOP trong cộng đồng.

Bên cạnh các giải pháp trọng tâm trong phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực của các chủ thể và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chương trình còn tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, như đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý ở cơ sở, các chủ thể, đặc biệt là nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn OCOP để hỗ trợ các địa phương, chủ thể triển khai hiệu quả chương trình theo đúng quan điểm, định hướng. Đẩy mạnh tăng cường đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP, gắn với khởi nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của các Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP ở các vùng, miền, tạo động lực để kết nối và thúc đẩy giữa các vùng, địa phương và khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.908.751
Truy cập hiện tại 9.365