Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025
Ngày cập nhật 17/09/2021

Ngày 26 tháng 8 năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tán thành và thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với một số nội dung cụ thể sau:

1. Mục tiêu

Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân/năm: 7,5 - 8,5%.

- GRDP bình quân đầu người đến năm 2025: 3.500 -  4.000 USD.

-  Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Dịch vụ chiếm 53 - 54%; công nghiệp và xây dựng 31 - 32%; nông nghiệp 7 - 9% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 - 7%.

- Vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 12%/năm.

- Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12 - 13%/năm; phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10 - 12%/năm.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025: 70 - 75%.

- Có 13 - 16 bác sĩ/vạn dân và 58 - 61 giường bệnh/vạn dân.

- Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2025: Còn 2 - 2,2% (tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%).

- Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025: 87% (trong đó, 20% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

- Tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025: 100%.

- Tỉ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025: 100%.

- Tỉ lệ che phủ rừng đạt 56 - 57%.

3. Các chương trình trọng điểm

- Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế).

- Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp.

- Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ.

- Chương trình cải cách hành chính nhằm hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, triển khai đề án chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh.

- Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

4.1.Tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 theo quy định. Kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống; chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch bệnh.

4.2. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Phối hợp với Trung ương hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; đề xuất các tiêu chí về phân loại đô thị và đơn vị hành chính đối với Thừa Thiên Huế. Triển khai Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương.

4.3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đến năm 2020 đạt 50%. Cơ cấu lại ngành dịch vụ, tập trung các nguồn lực phục hồi và phát triển du lịch sau dịch bệnh Covid - 19, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của văn hóa, di sản, con người Huế để phục vụ du khách.  Nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện phát triển du lịch trong tình hình mới.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất-lắp ráp ôtô, công nghiệp số, tham mưu đề xuất đưa điện khí vào quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đổi mới công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án theo tiến độ. Tích cực, hỗ trợ kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ven biển và đầm phá. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

4.4. Đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch, nhất là các quy hoạch phân khu. Triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tạo nguồn thu ngân sách; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

4.5. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị: Thành phố Huế mở rộng đạt chuẩn đô thị loại I, xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV, đô thị Chân Mây và một số đô thị mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V; đầu tư hạ tầng các xã thành phường; hình thành các khu đô thị kiểu mẫu. Hoàn thành đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

4.6. Triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Xây dựng kịch bản điều hành ngân sách phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid -19.

4.7. Tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; Trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; Trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; Trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ. Tập trung thực hiện các chính sách xã hội, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4.8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trọng tâm là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn và xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (Par-Index). Triển khai Đề án chuyển đổi số, dự án phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và dự án hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

4.9. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành khu vực phòng thủ vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Chủ động nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh. Tăng cường mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid - 19.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, phát huy tính năng động, sáng tạo, đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2021./.

namdong.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.692.551
Truy cập hiện tại 196