Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Một số đề xuất nhiệm vụ cải cách thể chế giai đoạn 2021-2030
Ngày cập nhật 15/10/2020

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã xác định cải cách thể chế là một trong ba trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 2011-2020, cùng với hai trọng tâm khác là: xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP, công tác cải cách thể chế đã đạt nhiều kết quả, đóng góp vào kết quả cải cách hành chính chung của Chính phủ. Đánh giá chung việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế trong 10 năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, nhận thức đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thể chế tại các bộ, ngành và địa phương.
Hai là, tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng pháp luật là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế.
Ba là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thể chế cần đảm bảo đúng lĩnh vực ưu tiên, đúng những khâu đột phá và xây dựng chính sách, pháp luật, phù hợp với bối cảnh, tình hình và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, phát huy vai trò của các chủ thể trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đảm bảo tính xuyên suốt trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; thu hút sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và Nhân dân vào công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Năm là, gắn xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai thi hành các văn bản pháp luật sau khi được ban hành là yếu tố quan trọng đảm bảo đưa pháp luật vào đời sống, đảm bảo sự gắn kết liên tục giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đúng thời hạn; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện, các nguồn lực cho việc thi hành luật; có cơ chế cụ thể để kiểm tra, giám sát việc thi hành, đặc biệt là việc đánh giá tác động hiệu quả kinh tế - xã hội thực tế của văn bản được thi hành.
Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, trong giai đoạn 2021-2030, công tác cải cách thể chế cần được Chính phủ tiếp tục xác định là một trong những trọng tâm cải cách hành chính, trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể cải cách thể chế như sau:
Thứ nhất, đối với pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị, pháp luật về cán bộ, công chức, công vụ
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức không phù hợp; bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
- Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bảo đảm Chính phủ thực hiện đầy đủ vai trò, vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, sớm thiết lập nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt từ trung ương xuống địa phương, trên cơ sở phân cấp - phân quyền triệt để trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước; tổ chức tinh gọn và hợp lý. Đẩy mạnh việc áp dụng Chính phủ điện tử, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.
- Tiếp tục nghiên cứu, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phương thức hoạt động khác nhau giữa chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo và các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở theo nguyên tắc nhà nước đơn nhất, quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp.
- Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và then chốt của cải cách nền hành chính; cải cách công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phân công, phân cấp rõ ràng hơn; quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ và chính quyền địa phương trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thẩm quyền và trách nhiệm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được phân cấp cho người đứng đầu các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện phù hợp với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống các tiêu chuẩn chức danh công chức hiện có để từ đó có những điều chỉnh cũng như ban hành mới một số chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức. Quy định về các chức danh công chức chuyên môn của chính quyền cấp xã đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuẩn hoá và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.
- Nghiên cứu, xây dựng thể chế về đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả đầu ra.
Thứ hai, đối với pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
- Tiếp tục thể chế hóa các quyền con người, quyền công dân đã được đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và có tính đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Hoàn thiện thể chế về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật theo hướng bảo đảm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, đề cao quyền con người, quyền công dân trong thi hành pháp luật, thực thi công vụ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trước các cơ quan dân cử đối với các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quy định rõ ràng chế tài, trách nhiệm của người có thẩm quyền; tăng cường sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đối với công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật; thiết lập các kênh tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuận tiện và tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền con người của cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quyền con người, quyền công dân để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.
- Tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và các quyền tự do, dân chủ khác, tạo thêm động lực cho cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, các thiết chế trong hệ thống chính trị.

Thứ ba, đối với pháp luật dân sự, kinh tế

- Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút các nguồn vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu thực hiện cam kết hội nhập của Việt Nam theo hướng phát triển xanh, bền vững.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu toàn dân theo hướng tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội và vai trò đại diện chủ sở hữu, tạo điều kiện cho sự tham gia một cách thực chất của người dân trong việc thực thi quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Hoàn thiện cơ bản pháp luật về đất đai, minh bạch hóa quy hoạch đất, bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp. Hoàn thiện pháp luật về các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm: thuế, quy hoạch, các tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý giá và các công cụ hỗ trợ quản lý vĩ mô như thống kê, đăng ký giao dịch, đăng ký tài sản, các tiêu chuẩn và qui chuẩn hướng đến kết quả và hiệu quả kinh tế xã hội. Rà soát, hoàn thiện các chính sách về dự trữ quốc gia, đặc biệt là các chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia. Hoàn thiện pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công; phân biệt rõ tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản để thực hiện chính sách xã hội. Đổi mới nhanh, có hiệu quả kinh tế nhà nước, giữ được vai trò nòng cốt để điều tiết các vấn đề kinh tế vĩ mô. Gắn phát triển kinh tế nhà nước với việc phát triển mạnh kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác đa dạng, tiến bộ và kinh tế hộ gia đình.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về thị trường, nhất là các thị trường bất động sản, vốn, lao động, khoa học công nghệ…; bảo đảm các thị trường yếu tố sản xuất đóng vai trò chủ yếu và quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa và ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước và giám sát của xã hội. Hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản, nghiên cứu, đề xuất các quy định liên quan đến các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Phát triển thị trường lao động đồng bộ tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động và sử dụng lao động, đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy quá trình đầu tư, chuyển giao, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các khu vực kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, điều hành chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối. Hoàn thiện pháp luật thương mại nhằm thể chế hóa đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động kinh doanh thương mại. Thực hiện việc mở cửa thị trường phân phối theo đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; xây dựng hiệu quả chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, tạo cạnh tranh không công bằng, không bình đẳng; tạo cơ chế để môi trường kinh doanh của Việt Nam có chỉ số năng lực canh tranh toàn cầu cao. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ số.
- Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, pháp luật về giải quyết tranh chấp và phá sản doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ tư, đối với pháp luật về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch

- Hoàn thiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện căn bản chất lượng nguồn nhân lực quốc gia theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thực hiện đúng phương châm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước, trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa giáo dục”. Xây dựng xã hội học tập với hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt và quản lý tốt, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, đồng thời giữ vai trò chủ đạo của nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường khoa học và công nghệ; tạo khung khổ pháp lý hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, hình thành mạng lưới tổ chức trung gian là các sàn giao dịch công nghệ; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về công nghệ cao để phù hợp với các quy định mới ban hành, bám sát các xu hướng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nền kinh tế số. Xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử. 
- Hoàn thiện pháp luật về y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, theo hướng bảo đảm để công dân có đủ điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; phát triển mạnh bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân.
- Xây dựng thể chế hướng đến gắn vǎn hóa, thể thao, du lịch với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm nǎng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển vǎn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động vǎn hóa. Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, du lịch, dịch vụ vǎn hóa...), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị vǎn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tác giả và quyền liên quan.

Thứ năm, đối với pháp luật về quốc phòng và an ninh

- Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh, thể chế hóa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Xây dựng mới các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm gắn phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiếp tục đàm phàn, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước và vùng lãnh thổ.
- Quy định tội phạm mới đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phù hợp với đòi hỏi của kinh tế thị trường.

Thứ sáu, đối với pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế

- Đẩy mạnh việc rà soát, ưu tiên xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Chú trọng việc nội luật hoá những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các điều ước quốc tế về tự do hóa thương mại thế hệ mới (như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP...). Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương (nhất là các diễn đàn đa phương về pháp luật) và khu vực (nhất là cộng đồng ASEAN) trên cơ sở các chủ trương về hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
- Tiếp tục ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan, bảo vệ môi trường... để khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Đẩy mạnh công tác ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương khu vực và toàn cầu về hợp tác pháp luật và tư pháp./.

 

Nguồn: https://moj.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.746.509
Truy cập hiện tại 148