Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam
Ngày cập nhật 07/10/2019

Sáng ngày 26/9/2019 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, gần 300 đại biểu đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT…


Hội nghị “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”

 

Hội nghị là nơi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà làm chính sách chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển thị trường, mô hình kinh doanh nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng và phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, khẳng định với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới theo định hướng của Chính phủ. Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia thúc đẩy, phát triển những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, nâng cao hiệu suất lao động, giải quyết các bài toán đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm …Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán cho định hướng phát triển nền nông nghiệp thông minh của Việt Nam. 

Cũng tại Hội nghị, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định: với các công nghệ của cuộc CMCN4.0 như IoT, AI, Big data,… các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã và đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ thương hiệu Việt thế hệ mới. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều sản phẩm, giải pháp hữu ích như giải pháp nền tảng IoT hỗ trợ doanh nghiệp quản lý môi trường, vận hành và giám sát quá trình nuôi trồng, không chỉ người sản xuất mà người tiêu dùng cũng có thể theo dõi, kiểm soát theo thời gian thực qua mạng Internet và thiết bị di động, quá trình phát triển cây trồng, vật nuôi. Những sản phẩm, giải pháp này không chỉ nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm. 

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, việc ứng dụng công nghệ nhằm giúp cho nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển đột phá là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước và đây cũng xu thế chung của thế giới. Vai trò của công nghệ thông tin luôn là một trong nguồn lực quan trọng của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đây cũng là thị trường rộng và mở, đầy tiềm năng với các doanh nghiệp công nghệ trong giai đoạn hiện nay.

Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng - với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi, nông nghiệp của Lâm Đồng đã phát triển có tính đột phá trên cơ sở nông nghiệp thông minh với tốc độ tăng trưởng cao và giá trị sản xuất vượt trội so với mặt bằng chung cả nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm, giải pháp Make in Việt Nam. Đồng thời, Bộ TT&TT mong muốn Lâm Đồng xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cho các lĩnh vực khác tại địa phương theo giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030.

Ông Nguyễn Kim Phúc - Phó GĐ Trung tâm tin học và thống kê (CIS)- Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tại, việc ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam đã có được những kết quả tích cực. Hệ thống thông tin xúc tiến thương mại đã cung cấp giá trong và thế giới của 14 nhóm mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, thịt các loại, thủy sản ... từ các cộng tác viên ở các chợ đầu mối chính tại 100 huyện và 20 tỉnh thành trên cả nước vào hệ thống qua thiết bị thông minh. Và hàng loạt các ứng dụng khác được triển khai trên cổng thông tin của bộ, thông qua các trang web về quản lý dự báo tình hình hạn hán (http://vndroughtportal.com); hệ thống theo dõi, quản lý công trình trên đê và sự cố (http://dedieu.gov.vn); hệ thống cảnh báo thiên tai Việt Nam (http://canhbaotruotlo.vn) được vận hành hiệu quả đã giúp cho việc phát triển nông nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi.

Tọa đàm, trao đổi tại Hội nghị

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện tại đang có nhu cầu rất lớn ứng dụng công nghệ GIS - Viễn thám về thống kê diện tích trồng trọt; thống kê thiệt hại do thiên tai (phục vụ bảo hiểm nông nghiệp); theo dõi úng lụt, khô hạn, thiệt hại do thiên tai; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, kiểm kê rừng; điều tra tài nguyên, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tàu cá, dự báo ngư trường – nguồn lợi thủ sản; giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản; dự đoán diện tích và sản lượng lúa, tiến độ thu hoạch, theo dõi quá trình sinh trưởng, giám sát mùa màng, dịch bệnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng đã tọa đàm, trao đổi với các diễn giả, doanh nghiệp, Hợp tác xã về vấn đề “Doanh nghiệp công nghệ và sự phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam”. Những khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi triển khai nông nghiệp thông minh; các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân khi tham gia xây dựng nền nông nghiệp thông minh…Ngoài ra, các giải pháp giám sát, quản lý nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh nông sản… cũng là chủ đề chính, được các đại biểu quan tâm, trao đổi.

 

Bộ NN&PTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.773.751
Truy cập hiện tại 131