Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội nghị Đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản các tháng đầu năm 2019
Ngày cập nhật 16/09/2019

Sáng ngày 11/9, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã diễn ra hội nghị đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản những tháng đầu năm 2019 và các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản trong thời gian tới.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

 

Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Viện Chính sách Chiến lược NN&PTNT, Trung tâm Tin học và Thống kê, cùng với đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam có thế mạnh về địa lý độ dốc, phát triển về trồng rừng nên phải chú trọng lâm nghiệp và coi đó là một trong những ngành kinh tế thế mạnh trong những thập kỷ tới. Bộ NN&PTNT xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế có chuỗi giá trị sâu, góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho ngành chăn nuôi, trồng trọt, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chung của cả ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần rà soát lại kỹ tăng trưởng thành phẩm, những nhận thức để có biện pháp phối hợp, không để tình trạng trục lợi, giả danh truy xuất nguồn gốc, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cần nêu cao vai trò của mình, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý với Chính phủ để bảo đảm quyền lợi và tính bền vững của ngành. Với tầm chiến lược lớn, các doanh nghiệp cần liên kết lại để khai thác tốt nguồn lợi, tích cực quản lý rừng bền vững. Các doanh nghiệp phải mạnh mẽ truyền thông, đẩy mạnh tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ để quảng bá và phát triển ngành. 

Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện nay có 5.424 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong có đó 612 doanh nghiệp FDI, chiếm 11,3% tổng số doanh nghiệp và 4.812 doanh nghiệp trong nước, chiếm 88,7% tổng số doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và lâm sản đến hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản. Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam đã nhập khẩu từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Chi Lê, Thái Lan là 5 thị phần có giá trị nhập khẩu lớn của Việt Nam, đạt 757,6 triệu USD, chiếm 52% giá trị nhập khẩu.

Hiện nay, thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác và từ Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Từ khi Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 01/6/2019, các hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được thúc đẩy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản vào EU cũng như thị trường khác. Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc do Việt Nam có các lợi thế về cơ chế chính sách thông thoáng, nhân công giá rẻ, hệ thống giao thông, cảng biển nước sâu thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ngành sẽ đối mặt với một số khó khăn như việc kiểm soát chất lượng của các dự án FDI, nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Tiềm ẩn nguy cơ gian lân thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng dẫn đến thua thiệt cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Hiện nay, mặt hàng ván dán đang nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy cần quan tâm và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đến quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng ván dán từ Việt Nam và Mỹ. Thay đổi thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ đã xuất hiện tại một số thị trường.

Về những vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp về gỗ và các sản phẩm gỗ cho rằng hiện nay các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thủ tục xin và cấp đất để mở rộng quy mô trồng rừng và doanh nghiệp; Thu mua nguyên liệu mà nguyên nhân chính là do thương lái trên thị trường thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô. Một phần do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng. Đặc biệt như Lào, Capuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc... dẫn đến tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực một cách rõ rệt, làm gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển.

Hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ các cấp Bộ, ngành nhà nước quan tâm hơn nữa đến các cơ chế chính sách thủ tục xin cấp phép, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam được tiếp cận được công nghệ tiên tiến của EU thay thế cho những công nghệ cũ, lạc hậu, đặc biệt có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà các Hiệp hội và doanh nghiệp đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng lạc quan về mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 là có khả thi. Năm nay ngành gỗ có nhiều thuận lợi từ các chính sách mở cửa từ Chính phủ, từ các ký kết Hiệp định thương mại, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tận dụng để phát triển đột phá cho kinh tế của cả nước, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi sẽ là những khó khăn không phải dễ dàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong việc thực hiện các chính sách cho đúng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, tránh việc gian lận thương mại, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, kịp thời phát hiện và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại.

 

Bộ NN&PTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.776.502
Truy cập hiện tại 566