Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Làm gì để xây dựng văn hóa chính trị?
Ngày cập nhật 29/08/2019
Nêu lên câu hỏi “Làm gì để xây dựng văn hóa chính trị?” là vấn đề không mới nhưng luôn luôn cần thiết, nóng hổi.
Văn hóa chính trị phải gắn kết cho được ý Đảng và lòng Dân. (Ảnh minh họa)

Thuật ngữ văn hóa chính trị đã quen thuộc và được trao đổi nhiều lần trong Đảng cũng như trong xã hội. Trong rất nhiều định nghĩa khác nhau, có thể hiểu văn hóa chính trị là thước đo trình độ và chất lượng của chính trị. Cụ thể hơn, văn hóa chính trị bao hàm sự đánh giá tính đúng đắn, tính nhân văn, hợp quy luật của chính trị.

Cho nên, có thể nói bất cứ thời nào và thể chế nào cũng đều có văn hóa chính trị của mình. Các triều đại phong kiến nước ta trước đây từ Lý đến Trần, Lê đều cai trị dựa trên tư tưởng thân dân. “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân” (Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ), “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi). Nhờ đó các triều đại phong kiến trên đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong việc trị quốc, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Theo chủ trương của học thuyết của Khổng Mạnh thì “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, có nghĩa dân là quý nhất, thứ đến xã tắc, còn vua không nghĩa lý gì. Tư tưởng đó thật tiến bộ, nhân văn, nhưng không thể biến thành hiện thực. Vì dân ở đây là thần dân, bề tôi của vua, được vua ban phát, chiếu cố mà thôi. Vua là tối thượng có quyền quyết định tất cả, vua đứng trên dân, trên cả pháp luật.

Chỉ sau Cách mạng Tháng Tám, khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền và Nhà nước dân chủ cộng hòa được thiết lập, văn hóa chính trị mới thực sự mang tinh thần phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân và đạt được bước tiến nhảy vọt, thay đổi hẳn về chất so với các thời đại trước. Tư tưởng Hồ Chí Minh “Dân là gốc”, “Dân là chủ”, “Xây dựng thắng lợi trên nền nhân dân”. Đạo đức Hồ Chí Minh là “Vì dân phục vụ”. Phong cách Hồ Chí Minh là “Trọng dân, thương yêu dân, gần gũi dân”. Đảng viên của Đảng và cán bộ, nhân viên của Nhà nước là công bộc trung thành của dân, làm việc theo tinh thần chí công vô tư.

Tuy nhiên trong quá trình vận hành, hệ thống chính trị của ta đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, tiêu cực, suy thoái… mà nguyên nhân sâu xa là sự thiếu hụt, yếu kém về văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng. Chính vì vậy, Đảng đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó nêu rõ: “Trọng tâm của xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”.

Có nhiều biểu hiện của sự suy thoái về văn hóa chính trị mà lâu nay xã hội từng lên án như: quan liêu, sách nhiễu dân, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, bè phái… Chúng xẩy ra ở hầu hết, nếu không phải ở tất cả, các cấp, các ngành, các địa phương, với những mức độ khác nhau. Nổi cộm hiện nay là lạm dụng quyền lực. Lịch sử cũng đã nói lên điều này. Nhiều triều đại phong kiến trước đây danh tiếng lừng lẫy, công lao to lớn, nhưng sau đó đã phải sụp đổ vì những người nắm giữ quyền lực thoái hóa, suy đồi. Bài học lịch sử để lại cho hậu thế cần được coi trọng.

Trước tiên, cần nhận thức đúng vì sao chính trị phải gắn liền với văn hóa và văn hóa chính trị là cái không thể thiếu của Đảng ta, Nhà nước ta trên cơ sở xác định mình vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của dân, mọi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập và rèn luyện trong thực tế cuộc sống để nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường, lý tưởng cộng sản. Thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, sử dụng có hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình để tiến bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong văn hóa chính trị có văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, như một học giả trong nước đã xác định: “Văn hóa lãnh đạo là đạo trị nước”(1), trong đó bao gồm một số tiêu chí cho người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao, như:  Đạo cao, đức trọng, gương mẫu trong hành xử, trong lối sống, trong quan hệ, trung thực với chính mình. Khả năng lãnh đạo được tỏa sáng ở tầm nhìn, biết phát hiện và sử dụng người tài. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt lời dạy “Dĩ công vi thượng”.

Từ cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 đến các Đại hội đại biểu toàn quốc sau đó, Đảng ta nêu lên những đặc trưng chủ nghĩa xã hội là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do dân làm chủ. Dân chủ là một sức mạnh có ý nghĩa động lực cho sự phát triển của đất nước.

Trước nay, chúng ta đã thực hiện phát huy dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, các căn bệnh nặng nề như quan liêu, xa dân, sách nhiễu, cửa quyền, tham nhũng, vòi vĩnh… vẫn tồn tại dai dẳng, làm vẩn đục môi trường chính trị mà chúng ta xây dựng. Đặc biệt, tình hình ở cấp cơ sở phổ biến còn chưa tốt hoặc xấu. Quy chế dân chủ theo quy định thực hiện không nghiêm, còn hình thức, ảnh hưởng đến niềm tin của dân.

Nói đến niềm tin của dân, ta nhắc lại một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lực lượng nhân dân là to lớn, vô địch, có thể đẩy thuyền đi mà cũng có thể lật thuyền. Do đó niềm tin yêu của dân đối với Đảng và Nhà nước là điều kiện tiên quyết. Văn hóa chính trị phải gắn kết cho được ý Đảng và lòng Dân. Khi ý Đảng và lòng Dân đạt được sự đồng thuận cao, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên nhanh chóng và bền vững, không thế lực thù địch nào chống phá nổi.

Trở lại biểu hiện nổi cộm hiện nay của sự suy thoái về văn hóa chính trị là việc làm dụng quyền lực được trao. Nó đang tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước và sự tồn vong của chế độ. Những người đang nắm giữ quyền lực, hầu hết là cán bộ, đảng viên cần thấy rõ thực trạng này và trách nhiệm của mình. Cần sử dụng quyền lực cho đúng trong giới hạn cho phép, gạt bỏ hẳn các ham muốn sai trái của chủ nghĩa cá nhân, ghi nhớ và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh”.

Kiểm soát quyền lực là việc dứt khoát phải làm và phải làm thật ráo riết, thường xuyên, không chấp nhận luận điệu cho rằng tha hóa quyền lực là căn bệnh cố hữu của mọi chế độ, mọi quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói: “Phải nhốt quyền lực trong cái lồng thể chế”. Ta tin tưởng điều này, đặt nhiều hy vọng vào điều này.

Gần đây, khi nói về công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng ta trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng như công tác xây dựng văn hóa chính trị mà mọi cấp ủy, mọi cán bộ, đảng viên chúng ta đều có trách nhiệm./. 

tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.781.005
Truy cập hiện tại 257