Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Giải pháp nâng xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp
Ngày cập nhật 20/08/2019
Sáng ngày 06 /8/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp nâng xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) và chỉ số phá sản doanh nghiệp (A10)

 

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng một số đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, trong 5 năm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có 6 chỉ số thăng hạng và 4 chỉ số tụt hạng, trong đó có 2 chỉ số rất quan trọng là Phá sản doanh nghiệp và Giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây là những chỉ số căn bản của môi trường kinh doanh nói riêng và hệ số để chỉ kinh tế thị trường nói chung. Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới[1] trong vài năm gần đây, Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam thường ở mức trung bình thấp so với một số nước ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương[2] và thấp hơn 03 (ba) quốc gia ở khu vực ASEAN được đánh giá có môi trường kinh doanh tốt nhất (Singapore, Malaysia, Thái Lan)[3]. Năm 2018, báo cáo này cho thấy, chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam xếp thứ 66 trong tổng số 190 quốc gia xếp hạng; chỉ số Phá sản doanh nghiệp của Việt Nam đứng thứ 133/190 nền kinh tế với thời gian 5 năm để giải quyết một vụ việc phá sản giá trị nhỏ (tương đương 5000 đô la Mỹ), chất lượng của khuôn khổ pháp lý về phá sản doanh nghiệp chỉ đạt 7,5/16 điểm.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ đã xác định một số mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu “nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) lên 8 - 12 bậc; năm 2019 ít nhất 3 bậc”, “nâng xếp hạng chỉ số Phá sản doanh nghiệp (A10) lên 10 -15 bậc; năm 2019 tăng ít nhất 3 bậc”[4].
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chính phủ đề ra, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao các chỉ số, cụ thể là: (1) Về cải thiện chỉ số A9: Hoàn thiện thể chế; triển khai các giải pháp hiện đại hóa hoạt động; triển khai các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, công khai hoạt động Tòa án; triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp; thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ chế và tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án; (2) Về cải thiện chỉ số A10: Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thời gian, chi phí phá sản doanh nghiệp và thu hồi khoản nợ cho các chủ nợ; các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi khoản nợ cho các chủ nợ; và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động kinh doanh thành công; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật phá sản năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng quy định về giải quyết phá sản, nâng cao hiệu quả phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, bảo vệ tốt hơn quyền của chủ nợ.
Phát biểu tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều đồng tình với các giải pháp mà Bộ Tư pháp đề xuất. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã có ý kiến góp ý bổ sung, làm rõ thêm các giải pháp. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng trong nhiều năm qua ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục xét xử các vụ tranh chấp hợp đồng; giảm thời gian, chi phí phá sản doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cũng bày tỏ khó khăn của ngành về điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Về Luật phá sản năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng cần có thời gian nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung các giải pháp liên quan đến việc rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thi hành án, nhất là đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng; nâng cao vai trò của đội ngũ trọng tài thương mại, luật sư.
Đại diện của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng để cải thiện chỉ số trên thì cần thiết phải có giải pháp đồng bộ cả về nhân lực, vật lực và thể chế; cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong thụ lý đơn; rút ngắn thời gian giải quyết; việc phân công xử án nên áp dụng nguyên tắc ngẫu nhiên, thay cho việc ấn định theo ngành, lĩnh vực, địa giới hành chính như hiện nay để tránh tình trạng can thiệp bằng ý chí chủ quan của người xét xử…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ hoan nghênh sự tích cực, chủ động của Bộ Tư pháp; đồng thời, giao Bộ Tư pháp trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp gia công để nâng tầm các giải pháp nâng cao chỉ số A9, A10; nghiên cứu về sự phù hợp trong quy định của pháp luật về sự tham gia của thi hành án, trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp; thể chế về giải quyết phá sản từ khâu thụ lý cho đến kháng nghị đã phù hợp chưa; vai trò giám sát của hệ thống chính trị thế nào? Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thụ lý hồ sơ, trong thi hành án, đấu giá tài sản; rà soát quy trình tố tụng; phát huy cơ chế hòa giải, án lệ; áp dụng thủ tục rút gọn… Trên cơ sở đó hoàn thiện các giải pháp để nâng cao chỉ số A9, A10./.

 

http://thutuchanhchinh.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.782.933
Truy cập hiện tại 629