Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Đẩy mạnh thanh toán điện tử phục vụ mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử
Ngày cập nhật 20/08/2019
Trong nửa đầu năm 2019, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với những kết quả đáng ghi nhận.

 

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, quy định quản lý về lĩnh vực thanh toán, nắm bắt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng số hóa hoạt động ngân hàng. Ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa và chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức phát hành thẻ triển khai Bộ Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa nhằm mục tiêu chuyển đổi toàn bộ thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa bằng công nghệ chip an toàn, bảo mật, đa tiện ích, đa ứng dụng cho mọi người dân Việt Nam; ban hành Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kết nối, triển khai liên thông thanh toán QR code đến tất cả các khách hàng.
Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các dịch vụ công như học phí, viện phí, điện, nước, môi trường… Đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan liên quan để cung ứng các sản phẩm dịch vụ mới, mở rộng dịch vụ hiện có, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.
Theo đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với những kết quả đáng ghi nhận. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng 23,23% về số lượng và 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ). Bình quân số lượng giao dịch đạt trên 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 354 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 16,5 tỷ USD/ngày).
 
Người dân có thể sử dụng nhiều phương thức để thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: Đức Trung


Hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành Hải quan, Thuế, Điện lực, Viễn thông,.. và đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Đến nay có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực thanh toán như phân tích hành vi khách hành trên dữ liệu lớn; xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment),… góp phần giúp các ngân hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, hỗ trợ tích cực cho thanh toán điện tử trong Chính phủ điện tử.
Các ngân hàng đã tích cực đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, nỗ lực cải tiến quy trình nghiệp vụ và phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ công, tổ chức cung ứng hàng hóa dịch vụ,.. để cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, cho phép khách hàng thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, mọi lúc mọi nơi. Đến nay, đã có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua kênh Internet Banking và 41 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua kênh Mobile Banking  (thanh toán qua 5 tháng đầu năm 2019 tăng 176% về giá trị và 108% về số lượng so cùng kỳ năm 2018); 24 ngân hàng, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code, toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Theo khảo sát về dịch vụ thanh toán di động, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng di động để thanh toán hàng hóa dịch vụ đã tăng từ 37% lên 61%.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử thời gian qua cũng đối mặt với những khó khăn, như: (i) Sự phát triển mạnh, nhanh chóng của công nghệ và quá trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đổi mới, sáng tạo, vừa đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước; (ii) Thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân còn khá phổ biến; vẫn còn có tâm lý e ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử; (iii) Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn; (iv) Một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành liên quan; (v) Hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan chưa đáp ứng được việc kết nối với hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng...
Tại Hội nghị trực tuyến Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tháng 7/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong nửa cuối năm 2019, cụ thể là:
Một là xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 
Hai là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016); Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (theo Quyết định 241/2018/QĐ-TTg ngày 23/02/2018) của Thủ tướng Chính phủ;
Ba là, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; Ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng khi được Chính phủ phê duyệt; Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”;
Bốn là, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử.

 

http://thutuchanhchinh.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.782.969
Truy cập hiện tại 648