Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Để môi trường thực sự không còn khói thuốc lá
Ngày cập nhật 04/09/2018

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính tại Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc lá và mỗi năm chúng giết chết hơn 40 ngàn người. Thống kê ghi nhận tình trạng hút thuốc lá ở nước ta đứng thứ 3 tại khu vực châu Á và là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao. Mặc dù luật phòng chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013 nhưng hiện nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, đâu đó vẫn còn khói thuốc lá ở những nơi quy định cấm hút thuốc.

 

Thực trạng xã hội hiện nay ở nước ta ghi nhận nam giới có tỷ lệ hút thuốc lá cao khoảng hơn 47%, trong khi đó nữ giới chỉ chiếm gần 1,5%. Đặc biệt người nghèo có thu nhập thấp hút thuốc lá nhiều hơn so với người giàu và thường sử dụng các loại thuốc lá rẻ tiền nên dễ có nguy cơ bị nhiễm các chất độc hại cao hơn. Khi ốm đau, bệnh tật liên quan đến việc hút thuốc lá và các bệnh lý khác lại chần chừ, hạn chế khả năng về kinh tế nên đi khám chữa bệnh muộn, để bệnh kéo dài, làm khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Qua thống kê cho thấy có khoảng 90% bệnh nhân bị ung thư phổi có liên quan đến việc hút thuốc lá và người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút thuốc... Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực đã hơn 2 năm nhưng do những nguyên nhân khác nhau nên chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vấn đề này cần được tất cả mọi người quan tâm nhiều hơn vì vấn đề sức khỏe của chính bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng.

Các vấn đề liên quan và nguyên tắc phòng chống

Thuốc lá là sản phẩm sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu của cây thuốc lá; chúng được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, thuốc xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm các sản phẩm của thuốc lá. Nguyên liệu thuốc lá gồm lá thuốc ở dưới dạng rời, tấm thuốc lá đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và các nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá. Tác hại của thuốc lá xác định khi chúng có ảnh hưởng, gây hại cho sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội từ việc sản xuất, sử dụng. Những thông tin thể hiện bằng chữ, hình ảnh mô tả hoặc giải thích về ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người do việc sử dụng thuốc lá được xem là nội dung về cảnh báo sức khỏe. Kinh doanh thuốc lá bao gồm việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ thuốc lá trên thị trường với mục đích lợi nhuận. Địa điểm công cộng, nơi làm việc, trong nhà cấm sử dụng thuốc lá gồm phạm vi phục vụ chung cho nhu cầu sinh hoạt của nhiều người, vị trí được sử dụng cho mục đích lao động, chỗ có mái che với một hay nhiều bức tường chắn hoặc vách ngăn chung quanh.

Nguyên tắc phòng chống tác hại của thuốc lá là tập trung thực hiện các biện pháp giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Đồng thời chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra. Thực hiện các biện pháp phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, phải bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.

Địa điểm tuyệt đối cấm hút thuốc lá

Theo luật phòng chống tác hại của thuốc lá, các địa điểm tuyệt đối cấm hút thuốc lá quy định ở trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Địa điểm tuyệt đối cấm hút thuốc lá ở trong nhà cũng xác định rõ gồm nơi làm việc; ở các trường cao đẳng, đại học, học viện; nơi công cộng. Đồng thời trên các phương tiện giao thông công cộng như xe ô tô, máy bay, tàu điện, tàu hỏa... cũng tuyệt đối cấm hút thuốc lá.

Tuy nhiên, ngoài những địa điểm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng tại đây có thể được phép bố trí nơi dành riêng cho những người hút thuốc lá vì nhu cầu sử dụng không cấm được hoàn toàn tuyệt đối như: ở khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, các cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng gồm tàu hỏa, tàu thủy. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện như: có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực quy định không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu thuốc, tàn thuốc; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ nhìn thấy và có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời khuyến khích tại những địa điểm này nên tổ chức thực hiện việc tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà phù hợp với từng thời kỳ phát triển xã hội lành mạnh.   

Để môi trường sống không khói thuốc lá

Muốn đạt được mục đích làm sao cho môi trường không còn khói thuốc lá, cần phải có sự nhận thức, hiểu biết đầy đủ về nghĩa vụ của những người hút thuốc lá và trách nhiệm quản lý của các địa điểm cấm hút thuốc lá. Nghĩa vụ của những người hút thuốc lá là không hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ gìn vệ sinh chung, bỏ tàn thuốc, mẩu thuốc đúng nơi quy định khi hút thuốc tại những địa điểm được cho phép. Đối với các địa điểm cấm hút thuốc lá, người quản lý phải thực hiện nhiệm vụ bằng các quyền hạn như: buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình quản lý; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu tiếp tục vi phạm sau khi được nhắc nhở. Đồng thời người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải có trách nhiệm thực hiện những quy định như: đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào chương trình kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy đơn vị; hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, treo bảng có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc.

                                                             

“Biết mà không làm” là thói quen cố hữu của một bộ phận người dân (ảnh minh họa)

Mặc dù hành vi hút thuốc lá tại những nơi quy định cấm hút thuốc hoặc chỉ bỏ tàn thuốc, mẩu thuốc không đúng nơi quy định có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 ngàn đồng đối với cá nhân vi phạm; người quản lý cơ sở không treo bảng có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm để yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc tại cơ sở cũng bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng; thậm chí những nơi quy định dành riêng cho người hút thuốc không bảo đảm yêu cầu có phòng và hệ thống thông khí tách biệt, không có dụng cụ chứa đựng mẩu thuốc, tàn thuốc... cũng bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nhưng thực trạng hiện nay vẫn còn rất nhiều sự vi phạm. Ngoài ra quy định việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt tiền 1 đến 2 triệu đồng, không treo bảng thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; bán thuốc lá ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng... chỉ mang tính hình thức. Vấn đề không quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện tương đối khá tốt và có quy định mức phạt tiền khá cao nên đã hạn chế nhiều. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật của cộng đồng hiện nay còn nhiều hạn chế, “biết mà không làm” vẫn là hiện tượng tồn tại cố hữu của một bộ phận người dân như: biết vượt đèn đỏ ở các giao lộ là nguy hiểm tính mạng và vi phạm pháp luật, biết hút thuốc lá có hại đến sức khỏe và ảnh hưởng người chung quanh, biết không rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa... nhưng vẫn không thực hiện đúng yêu cầu quy định. Vì vậy để môi trường sống thực sự không còn khói thuốc lá, điều căn bản nhất là sự tự giác, nghiêm túc chấp hành luật của tất cả mọi người với biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, giáo dục xã hội có hiệu quả đồng hành với biện pháp xử phạt và chế tài cứng rắn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.246.983
Truy cập hiện tại 2.211