Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024
Ngày cập nhật 15/10/2020

Ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (Chương trình CRVS) là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết triển khai 02 văn bản quan trọng được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký, thống kê hộ tịch (Civil Registration and Vital Statistics - CRVS) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, tháng 11/2014, đó là Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Khung hành động khu vực, phát động Thập niên đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ 2015 – 2024, ngày 23/01/2017.

Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện , Chương trình hành động quốc gia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác đăng ký, thống kê hộ tịch đã có nhiều thay đổi, biến chuyển tích cực.

Nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 03 năm triển khai thực hiện Chương trình CRVS, đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; xác định nguyên nhân, đề xuất những giải pháp có khả năng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình hành động trong thời gian tới, ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch.

Đến tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và bà Naomi Kitahara , Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và đại diện nhiều bộ, ngành có liên quan ở Trung ương như: Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Qua báo cáo và trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, có thể thấy, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia tại Trung ương và tại nhiều địa phương được thành lập, có vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác truyền thông, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình CRVS.

Thể chế trong lĩnh vực hộ tịch đã được hoàn thiện theo đúng tiến độ nhiệm vụ đề ra (Chính phủ ban hành 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hộ tịch là: Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Bộ Tư pháp đã ban hành 2 Thông tư và phối hợp Bộ Ngoại giao ban hành 01 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP là: Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015, Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 16/7/2020). Đồng thời với đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở các địa phương được cải thiện; phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch cơ bản được hiện đại hóa (63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí của Bộ Tư pháp); đội ngũ công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch được tăng cường năng lực chuyên môn nghiệp vụ; nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức, xã hội về ý nghĩa, vai trò của đăng ký, thống kê hộ tịch cũng như của Chương trình CRVS được nâng cao.

Hội thảo cũng nhận diện được những khó khăn, vướng mắc qua hơn ba năm triển khai Chương trình CRVS như: việc phối hợp, chỉ đạo thực hiện Chương trình CRVS còn chưa chặt chẽ, kịp thời; nguồn lực cho triển khai Chương trình CRVS, đặc biệt là Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan như tác động của tập quán, quan niệm, nhận thức của cơ quan quản lý, một bộ phận người dân về vai trò, trách nhiệm đăng ký, quản lý hộ tịch chưa nhất quán ...

Các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận và thống nhất một số biện pháp từng bước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đã nhận diện, bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình CRVS trong các năm tiếp theo có hiệu quả, trong đó thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chương trình CRVS, tập trung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung liên quan đến việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo Chương trình CRVS, đặc biệt là Tổ thư ký nòng cốt giúp việc Ban Chỉ đạo; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật, hoàn thiện CSDL điện tử hiện có; chia sẻ dữ liệu liên ngành (từ Trung ương đến địa phương); có giải pháp để xác định được tỉ lệ đăng ký khai sinh, tỉ lệ đăng ký khai tử; nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức cơ quan làm công tác đăng ký hộ tịch, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả; có giải pháp tăng cường quản lý chặt việc cấp giấy chứng sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, thống kê số liệu sinh, tử; bố trí đủ nguồn kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc.
Nguồn: https://qtht.moj.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.202.184
Truy cập hiện tại 2.289