Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV diễn ra chiều ngày 12/12. Tại buổi họp báo, nhiều nội dung quan trọng của ngành Công Thương đã được các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm như: Vấn đề bình ổn hàng hóa thị trường Tết, trong đó có mặt hàng thịt lợn, tình hình xuất nhập khẩu, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu...

Về thương mại nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá: Nhìn chung, công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung - cầu các loại hàng hóa trong những tháng cuối năm 2019. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý IV năm 2019 (Ảnh: K.D) 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch 2019. Cụ thể: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nhất về sản xuất và thủ tục xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng sản xuất theo kế hoạch. Tăng cường giám sát đầu tư, phấn đấu đưa các dự án sản xuất theo đúng tiến độ góp phần tăng trưởng năng lực sản xuất chung của ngành. Khẩn trương lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành theo quy định làm cơ sở để đầu tư các dự án sản xuất mới. Phát triển thị trường trong nước, ổn định cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...

Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu

Thông tin tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Tính chung 11 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Với nhóm ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất trong tháng 11 giảm 5,3% so với cùng kỳ, tính chung 11T/2019 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ giảm 1,9%).

Sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất (Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 11T/2019 của nhóm tăng 10,6% so cùng kỳ).

Về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (Kế hoạch năm 2019: kim ngach xuất khẩu đạt 263 tỷ USD, tăng 7-8% so với năm 2018). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu

Về thị trường xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) sau 5 năm có hiệu lực, đã giúp công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng minh bạch, công khai; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát và khẩn trương triển khai các bước xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 theo đúng quy định.

Trả lời câu hỏi về việc báo chí quan tâm nhất tại thời điểm này là giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 chia sẻ, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, dự kiến, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi những nội dung như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...

Đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm

Liên quan nguồn cung thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại 63 tỉnh và đã có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngay từ đầu Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng quản lý tại các địa phương, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPT&NT) làm việc với các tỉnh biên giới để đưa ra các biện pháp khống chế. Khi dịch bệnh xảy ra, đã chủ động chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Sau khi Bộ NNPT&NT báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200 nghìn tấn thịt lợn dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đây là vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm không chỉ trước Tết, trong Tết mà còn sau Tết.

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Thực hiện Chỉ thị, Bộ Công Thương đã đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.

Về công tác tuyên truyền, từ khi xảy ra dịch bệnh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NNPT&NT đưa thông tin chính xác, kịp thời tới người tiêu dùng. Từ đó, để doanh nghiệp, người tiêu dùng ủng hộ, chung tay trong lúc nguồn cung thiếu, và hướng tới thực hiện nhập khẩu mặt hàng thịt lợn.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ NNPT&NT có chỉ đạo, hướng tới việc tái đàn ở những vùng đã hết dịch để đảm bảo nguồn cung. Về việc đảm bảo thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như: thủy sản, thức ăn gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt lợn./.