Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nhiều kết quả nỗi bật của du lịch Thừa Thiên Huế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy
Ngày cập nhật 19/11/2019
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ và Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, du lịch Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Huế trong giai đoạn 2017 - 2019 khá ổn định, tăng khoảng 12%; khách lưu trú tăng trưởng bình quân khoảng 8%; doanh thu du lịch đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 15%/năm. Dự ước năm 2019, tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế đạt khoảng 4,75 triệu lượt, khách lưu trú đạt khoảng 2,2 triệu lượt; doanh thu du lịch năm 2019 ước đạt khoảng 4.850 tỷ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch ước hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, với tình hình thực tế các chỉ tiêu và tốc độ tăng trưởng như trên, đến năm 2020, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành chỉ tiêu đạt 5 triệu lượt khách, suất chi tiêu bình quân tiệm cận 1,5 triệu đồng/khách.

Đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành một số nội dung công việc quan trọng đó là: Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành lập Hội đồng Tư vấn Du lịch tỉnh (HTAB); Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch 2018 - 2020; Hệ sinh thái du lịch thông minh; đưa vào hoạt động Website quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế; thành lập trung tâm thông tin để hỗ trợ du khách...

Hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch: Tổ chức tốt một số lễ hội như lễ hội hoa Sen, lễ hội múa Lân, lễ hội Diều, Hiphop để phục vụ du khách. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch homestay, du lịch nhà vườn đã được hình thành khắp các huyện, thị xã, nổi bật như điểm đến Bạch Mã Village, không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở Thủy Bằng, Bến Xuân ở Thủy Biều, Thanh Toàn, Ghành Lăng, Parle, Anor, A Roàng... đáp ứng xu hướng trải nghiệm của khách du lịch... Đặc biệt, việc hình thành phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, phố đi bộ trên sông Hương kết hợp với phố Nguyễn Đình Chiểu và trục đường Lê Lợi... đã bước đầu giải được bài toán giải trí về đêm tại trung tâm thành phố Huế. Đưa vào xây dựng các tour du lịch tâm linh như đền Huyền Trân, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã, khu vực Tượng Quán Thế Âm...; hình thành một số tour du lịch đặc trưng về làng nghề Huế phục vụ khách du lịch như làng gốm Phước Tích, làng nón Phú Cam, đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên; Ngoài ra, một số nhà đầu tư (Công ty Bình An, Công ty TTN) đang nghiên cứu dịch vụ trên bờ nhằm phục vụ cho thủy thủ đoàn và du khách.

Công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ được chú trọng, đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại Vincom, Khách sạn Vinpearl;  khách sạn Thuận Hóa chuẩn bị đưa vào hoạt động. Một số dự án của các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu đang triển khai như dự án mở rộng của Laguna giai đoạn 2 gắn với dịch vụ casino, Địa Trung Hải, Minh Viễn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề HAB của Tập đoàn PSH... Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác như Ecopark, FLC, Sun Goup, Ecopark, BRG cũng đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư hoặc đang nghiên cứu đầu tư một số dự án lớn và đặc trưng về du lịch Huế.

Hạ tầng phục vụ du lịch được tập trung đầu tư, đưa vào sử dụng như đường vào Lăng Gia Long, hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng,... Tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, trước mắt nâng cấp, mở rộng nhà khách T2; cơ bản hoàn thành bến cảng số 2, khởi công bến số 3 ở cảng Chân Mây để có thể đưa bến số 1 trở thành bến cảng chuyên phục vụ tàu du lịch.

Hoạt động xúc tiến quảng bá đã được nâng tầm cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tầng suất đón các đoàn Famtrip, Presstrip tăng lên nhiều, việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nước đã kêu gọi được sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Công tác quảng bá được đẩy mạnh, nhất là quảng bá qua ứng dụng du lịch thông minh như các trang mạng xã hội có uy tín như Tripadvisor, Angoda, Booking.com, Traveloka; ký kết thoả thuận với Vietnam Airlines, Traveloka, Đường sắt, Bưu điện.

Môi trường du lịch không ngừng được cải thiện, đảm bảo an toàn, thân thiện và tiện nghi cho du khách; nạn chèo kéo, ăn xin đã giảm so với những năm trước; chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động về môi trường trong du lịch. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Công an, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ.

Ngoài ra, đã chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý khách sạn, xúc tiến, quảng bá, lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên... Đồng thời, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tập huấn dành cho đội ngũ những người làm du lịch cộng đồng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là:

- Một số chỉ tiêu sẽ khó hoàn thành trong năm 2020 theo Nghị quyết đề ra như chỉ tiêu khách lưu trú (3 - 3,5 triệu lượt khách), ngày khách lưu trú bình quân (2,1 ngày). Nguyên nhân chính là sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực; thiếu các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; các dự án đầu tư chiến lược để tạo phát triển đột phá chậm triển khai; các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ chưa hấp dẫn, đa dạng.

- Chưa thu hút được những thương hiệu du lịch lớn như Hilton, Hyatt, Marriott, InterContinental,... để làm đòn bẩy, tạo đột phá trong phát triển du lịch.

- Hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối thành phố Huế đến vùng biển, đầm phá; các bến thuyền đầm phá, sông Hương,... Công tác tháo gỡ, liên kết với các doanh nghiệp duy trì, nâng tần suất và mở thêm các đường bay trong nước và kết nối với các cố đô trong khu vực và quốc tế như: Huế - Luangprabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar); Singapore, Nhật Bản... đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện được.

- Các dự án đầu tư phát triển khu du lịch trọng điểm ở khu vực thành phố Huế, Cảnh Dương - Lăng Cô; các dự án du lịch, dịch vụ ở Mỹ An, Vinh Thanh, Thuận An và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tiến độ còn chậm. Số lượng các cơ sở lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu du khách còn ít (sau 10 năm, số lượng khách sạn 3 - 5 sao vẫn là 28 cơ sở).

- Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng; du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá, tour nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe còn nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đồng bộ. Du lịch tâm linh; tour du lịch đường thủy dọc sông Hương và dịch vụ 2 bờ sông Hương phát triển chậm... Dịch vụ vui chơi giải trí, khu mua sắm các mặt hàng cao cấp trên địa bàn vẫn còn hạn chế.

- Nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Vai trò của Hiệp hội Du lịch chưa thể hiện rõ trong việc huy động các doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch chung của tỉnh.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra tại một số điểm di tích, các bãi biển. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách tại các điểm du lịch sinh thái sông hồ, suối thác đã được khắc phục những vẫn chưa đảm bảo.

- Sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan về triển khai các hoạt động phát triển du lịch chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Để thực hiện tốt mục tiêu: Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới. Tỉnh và ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy đã đề ra; đồng thời, chú trọng tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tập trung rà sát lại các nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, dự án trọng điểm trong Nghị quyết 03 nhưng chưa triển khai và đang triển khai để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho ngành du lịch và các ngành, địa phương liên quan, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án để đưa du lịch Thừa Thiên Huế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

2. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án trọng điểm, như: di dời các hộ dân sống ở Kinh thành Huế; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây; bến số 3 cảng Chân Mây và cảng biển du lịch Chân Mây; các dự án du lịch, dịch vụ ở Chân Mây - Lăng Cô, Hải Dương, Vinh Thanh, Vinh Xuân... Đồng thời, xúc tiến để nâng tần suất và mở thêm các đường bay trong nước và kết nối các tuyến bay với các cố đô trong khu vực và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Huế, như: Huế - Luangprabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar); Singapore, Nhật Bản.

3. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kết nối Huế với Thuận An, Hải Dương, Vinh Thanh, Vinh Xuân, nhất là các tuyến đã bố trí vốn (đoạn từ Phú Mỹ đến Tân Mỹ của tuyến Tự Đức - Thuận An và đường Chợ Mai - Tân Mỹ) để kết nối du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá; đồng thời, khẩn trương xây dựng, nâng cấp, cải tạo các bến thuyền để phát triển du lịch đường biển và vùng đầm, phá.

4. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Huế và toàn tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới (trung tâm mua sắm cao cấp, chợ du lịch, chợ đêm...). Đồng thời, rà soát quy hoạch các khu vực, địa điểm, công trình phù hợp để phát triển các dịch vụ, du lịch (lưu trú, vui chơi, giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử) trên địa bàn Thành phố và vùng lân cận để xây dựng danh mục cụ thể nhằm kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Kêu gọi thêm các thương hiệu du lịch tầm cở quốc tế gắn với các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.

5. Hoàn thành không gian văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, nhà trưng bày dọc tuyến đường Lê Lợi, thành phố Huế, kết hợp cầu đi bộ trên sông Hương, phố Nguyễn Đình Chiểu để tạo điểm nhấn nhằm thu hút du khách. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm mới, nhất là phát triển dịch vụ ở các điểm di tích; du lịch cộng đồng, tour du lịch đầm phá, tour nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ 2 bờ sông Hương; hình thành các trung tâm trưng bày, trình diễn, mua sắm tập trung các đặc sản, hàng lưu niệm chuyên nghiệp tại trung tâm thành phố Huế.

6. Tăng cường kêu gọi, xã hội hóa để huy động nguồn lực nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; dành các vị trí quảng cáo tốt, phù hợp quy hoạch để quảng bá hình ảnh điểm đến Huế, hình ảnh các sản phẩm du lịch, hình ảnh thương hiệu các đối tác hợp tác chiến lược về du lịch của tỉnh. Chú trọng đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung; các tỉnh trên “Con đường Di sản miền Trung”; thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam “Ba địa phương, một điểm đến”.

7. Nâng cao hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh; phát huy trách nhiệm của các ngành trong thực hiện quy hoạch. Các huyện, thị xã, Thành phố căn cứ vào quy hoạch phát triển du lịch và khả năng từng địa phương để xác lập các sản phẩm mang tính đặc thù, hoạch định phân khu chức năng bảo đảm sự phát triển chung của du lịch toàn tỉnh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp bảo đảm trật tự, vệ sinh, an toàn cho du khách.

tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.252.835
Truy cập hiện tại 5.583