Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Gian nan đưa điện lưới quốc gia về vùng biên viễn
Ngày cập nhật 18/06/2019
(Chinhphu.vn) - Xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa đã được những người thợ điện tỉnh Lào Cai nỗ lực đưa điện lưới quốc gia tới từng thôn bản. Khó có thể kể hết những nhọc nhằn, gian lao, vất vả của những người thợ điện nơi đây trong công cuộc vượt núi, đưa điện về thôn bản vùng biên viễn của Tổ quốc.
Ai đã từng đến với xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai những năm trước đây hẳn trong ký ức vẫn còn ám ảnh về sự cách trở, nghèo nàn và lạc hậu. Cái đói, cái nghèo cứ quanh quẩn trong những căn nhà sàn trống hoác, xác xơ đọng vào trong những đôi mắt buồn nhìn vào xa xăm vô định của những người già và sự ngơ ngác của lũ trẻ. Thế nhưng cái đói cái nghèo ấy đã và đang lùi vào quá khứ khi dòng điện lưới quốc gia đã được những người thợ vượt núi, băng rừng kéo điện về từng thôn, bản. Một cuộc sống với những luồng sinh khí mới hạnh phúc hơn, đầy đủ hơn, no ấm hơn đang dần hiện hữu trên mảnh đất này.
 
Gian nan kéo điện lên non
 
Vượt qua đoạn đường hơn 30 km từ trung tâm thị trấn huyện Bát Xát đến với xã Phìn Ngan, chúng tôi cảm nhận được đầy đủ sự hiểm trở, gập ghềnh của những cung đường đồi núi. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là bờ vực chênh vênh với nhiều đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua.
 
Nhiều đoạn vướng "ổ voi, ổ gà", đá lởm chởm, dốc dựng đứng trơn trượt, nhiều chỗ, cây rừng ngã đổ chắn ngang đường làm những người không phải thổ dân như chúng tôi phải vất vả và kiên nhẫn lắm mới có thể vượt qua được.
 
Thế mới có thể hình dung hết những nhọc nhằn, khó khăn, vất vả của những người thợ điện Lào Cai trong công cuộc “ kéo điện lên non” đến với các thôn, bản của xã vùng biên giới này.
 
Theo những người thợ điện của Đội Quản lý tổng hợp số 1, Điện lực Bát Xát, Công ty Điện lực Lào Cai, vào mùa nắng nóng, đường núi thế này vẫn dễ đi hơn vì còn có thể sử dụng phương tiện để di chuyển. Gian khổ nhất là khi vào mùa mưa bão, với địa hình khó đi lại hơn, lại thêm cây cối và sạt lở đất đá bất cứ lúc nào.
Những lúc như thế, anh em trong Đội buộc phải đi bộ, mang theo bánh mì, cơm nắm và nước uống vì quanh Phìn Ngan không có quán xá gì, thậm chí nhà dân dọc tuyến đường cũng không có.
 
“Chỉ 30 km đường thôi, nhưng nhiều khi anh em phải đi mất cả ngày mới vào tới nơi. Gian khổ là thế, nhưng bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay giá rét và cả khi trời mưa bão, bất cứ lúc nào bà con vùng núi này gọi báo sự cố về điện thì chúng tôi sẽ ngay lập tức lên đường để sửa chữa điện một cách nhanh nhất", anh Nguyễn Lý Lăng, Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp số 1, Điện lực Bát Xát, Công ty Điện lực Lào Cai chia sẻ.
 
Kể thêm về những ngày đầu gian khó khi ngành Điện Lào Cai đưa lưới điện quốc gia về các thôn bản thuộc xã Phìn Ngan, anh Nguyễn Lý Lăng bồi hồi nhớ lại: Giai đoạn trước 2007, đường vào các thôn bản thuộc Phìn Ngan cực kỳ khó khăn nên Điện lực Bát Xát không thể đưa máy móc và phương tiện vào sâu trong địa bàn. Toàn bộ nguyên vật liệu phục vụ cho thi công và vật tư, trang thiết bị của ngành điện đều phải khiêng vác hoàn toàn bằng sức người theo cách thủ công nhất.
 
“Bất kể mưa rừng hay nắng nóng, hàng trăm công nhân ngành điện cùng bà con người dân tộc Dao tại địa phương cứ lầm lũi, gùi trên lưng từng địu cát, sỏi, xi măng và dùng tời để kéo cột điện vào từng thôn bản. Chỉ bằng sức người thôi mà tổng cộng đã có gần một nghìn cột điện lớn nhỏ và hàng trăm tấn nguyên vật liệu đã băng qua rừng, vượt núi có mặt tại các vị trí cần phải dựng cột", anh Lăng cho biết.
 
Vận chuyển đã khó nhưng thi công lại còn gian nan hơn nhiều. Toàn bộ từ khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông, kéo cột và dây điện về nhà dân đều được thực hiện bằng sức người. Đặc biệt, có thời điểm dựng cột vào mùa khô nên nước lại càng khan hiếm, anh em công nhân buộc phải đi tìm đến các khe suối, hứng từng phuy nước về đổ bê tông và phục vụ sinh hoạt.
Đến cuối năm 2007, khi các thôn bản của xã Phìn Ngan được đón điện quốc gia, những người trực tiếp tham gia thi công mới dám tin vào sự thành công của con đường mang ánh sáng điện tới các thôn bản xa xôi này. Người dân có điện lưới quốc gia - điều mà trước đây ai cũng nghĩ đó là một giấc mơ khó trở thành hiện thực.
 
Cuộc sống người dân khởi sắc khi có điện
 
Xã Phìn Ngan hiện có trên 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu là người dân tộc Dao. Ngày điện về với các thôn bản, tất cả người dân trong xã như vỡ òa trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực.
 
Điện không những làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà đã mở ra biết bao hy vọng, xua đi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám biết bao thế thế hệ người dân nơi đây.
 
"Trước đây, khi chưa có điện, người dân chúng tôi không biết xem tivi là gì, thiếu thông tin lắm. Đêm đến, ánh sáng không có nên con cái cũng không học hành gì được. Từ ngày có điện lưới quốc gia về thôn, tôi và bà con nơi đây vui mừng lắm. Nhà nào cũng có điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và có tiếng tivi râm ran trong nhà để nắm bắt thêm thông tin", ông Tẩn Duần Tị, thôn Sùng Vui, xã Phìn Ngan cho biết.
 
Chị Tẩn Khờ Mẩy, thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan hồ hởi chia sẻ: "Từ khi có điện, gia đình tôi đã cố gắng mua một máy xay xát để phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi. Có máy xay xát, gia đình đã giảm được nhiều sức lao động. Trước đây, muốn xát gạo, xát ngô thì phải giã bằng tay, tốn rất nhiều công sức. Khi có máy xát điện rồi, nhà tôi đã nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm để bán và đã thoát được cái nghèo".
Điện về đã giúp Phìn Ngan "thay da đổi thịt". Ông Tần Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan không giấu nổi niềm vui và cho biết: "Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng cao. Bà con được tiếp cận các thông tin truyền thông tốt hơn cũng như có điện phục vụ sản xuất. Có thể nói, từ lúc có điện lưới về, địa phương đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, sản xuất gạch không nung được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân".
 
Chia tay Phìn Ngan, chúng tôi hiểu rằng, để đưa được dòng điện lưới quốc gia về với bà con các dân tộc nơi đây những người thợ điện nếu không có tình yêu nghề thực sự cũng như tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn không bám trụ được với công việc này. Đáng nói hơn, đó là từ câu chuyện đưa điện về vùng cao, càng thấy được trách nhiệm của ngành điện với xã hội, với cộng đồng, điều mà bấy lâu nay không phải ai cũng hiểu được.
 
http://baochinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.414.179
Truy cập hiện tại 1.725