Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch
Ngày cập nhật 13/06/2019

(Chinhphu.vn) - Với dư địa cho phát triển nông nghiệp còn phong phú, Hà Nội xác định thời gian tới phải đưa ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững: Sạch gắn với năng suất cao và giá trị kinh tế cao.

Hà Nội hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch - Ảnh minh họa

Thời gian qua, mặc dù nông nghiệp có những bước tăng trưởng khá, nhưng để hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững thì cần chú trọng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nông sản của Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng hiện chưa đạt giá trị cao, chưa xuất khẩu nhiều bởi chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế.

Tại Hà Nội hiện nay, dù đã có các vùng sản xuất nông sản an toàn, nhưng diện tích trồng trọt tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ vẫn lớn. Người nông dân vẫn canh tác theo thói quen, thiếu các hiểu biết về an toàn, sức khỏe và tác hại của thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 95 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó có 3 xưởng sản xuất, gia công sang chai đóng gói, 35 doanh nghiệp có kho lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật, cấp 92/95 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho doanh nghiệp; có 1.779 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật kinh doanh và sử dụng của các quận, huyện thị xã năm 2014, 2015, 2016, có những huyện rất thấp như: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ… Nhưng cũng có những huyện rất cao như Mê Linh, Hoài Đức, Đông Anh…

Nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường đào tạo, tập huấn đồng ruộng cho cán bộ và nông dân.

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức 6 lớp đào tạo giảng viên về IPM trên cây lúa với 180 giảng viên là nhân viên các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận, huyện, thị xã, cán bộ khuyến nông, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã ở các địa phương trọng điểm sản xuất lúa tham gia; tổ chức 225 lớp học đồng ruộng về IPM trên các cây trồng cho 7.650 nông dân; 93 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức 1 lớp đào tạo giảng viên TOT trên cây ăn quả cho 30 học viên; 230 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 11.500 nông dân trực tiếp trồng cây ăn quả, cây chè; 14 lớp IPM cho 112 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; 8 lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho 640 người tiêu dùng; tiến hành 5 thử nghiệm về thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật mới trong phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả; xây dựng 16 mô hình chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm trên cây chuối, bưởi, đu đủ, nhãn chín muộn, cam Canh và cây chè.

Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng, phát triển được 25 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng mô hình giám sát cộng đồng (PGS). Theo đó, đã có 208 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, với số lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng là 42 tấn/ngày. Sản phẩm của 25 chuỗi này được người tiêu dùng tin tưởng; thu nhập của người sản xuất cũng tăng nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, các lớp IPM... Bên cạnh đó, quản lý chặt đầu vào và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường...

Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND các xã ký cam kết với UBND cấp huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội để thực hiện quản lý, chỉ đạo sản xuất rau an toàn và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo đúng quy định; xây dựng và hình thành các quy định của địa phương về quản lý sản xuất rau an toàn, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

 

 

http://baochinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.415.189
Truy cập hiện tại 14