Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Mọi dự án PPP đều cần lấy ý kiến cộng đồng
Ngày cập nhật 22/05/2019
(Chinhphu.vn) – VCCI cho rằng, các dự án, hợp đồng PPP cần được thẩm định độc lập để cung cấp ý kiến phản biện trước khi ký, đặc biệt là về các cam kết của Nhà nước và quyền lợi của bên thứ ba. Đồng thời, tất cả các dự án đều phải được lấy ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng…
 
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị.
 
Về quy trình đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP, VCCI cho rằng, một vấn đề rất lớn đặt ra là các cơ quan, cán bộ đàm phán, ký kết hợp đồng PPP được phép cam kết những gì và không được phép cam kết những gì? Nói cách khác, thẩm quyền và trình tự thủ tục đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP sẽ được phân định như thế nào?
 
Nếu việc phân quyền này lỏng lẻo, không được quy định rõ có thể dẫn đến tình trạng các cán bộ nhà nước đàm phán và ký kết những cam kết quá rộng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, của người dân và của các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, các quy định lỏng lẻo có thể khiến các cam kết từ phía Nhà nước không được tôn trọng khi có phản ứng từ phía người dân hoặc sự thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo. Do đó, việc minh định về thẩm quyền và trình tự thủ tục đàm phán, ký kết hợp đồng PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của đạo luật này.
 
VCCI kiến nghị, trong quy trình đàm phán và ký kết các hợp đồng PPP, cần phân loại mức độ rủi ro của dự án để xác định thẩm quyền đàm phán, ký kết. Ví dụ, dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ, mức độ cam kết của Nhà nước không lớn hoặc ít ảnh hưởng đến bên thứ ba (người dân, doanh nghiệp khác) thì có thể phân quyền cho cấp dưới đàm phán và ký hợp đồng.
 
Đối với dự án có quy mô vốn lớn, mức độ cam kết của Nhà nước cao (như nhượng quyền thu phí, bao tiêu sản phẩm, bảo lãnh…) hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân (diện tích đất lớn, không có sự lựa chọn khác) thì phải có quy trình đàm phán, ký kết chặt chẽ hơn, thậm chí lên cấp Quốc hội quyết định chủ trương.
 
Cùng với đó, cần thẩm định dự án, hợp đồng PPP trước khi ký một cách độc lập, khách quan. Các dự án, hợp đồng PPP cần được thẩm định độc lập để cung cấp ý kiến phản biện trước khi ký, đặc biệt là về các cam kết của Nhà nước và quyền lợi của bên thứ ba.
 
Cần lấy ý kiến chặt hơn cả với dự án đầu tư công
 
VCCI cũng đề nghị cần công khai thông tin về các dự án, hợp đồng PPP trên một cổng thông tin chung và tất cả các dự án đều phải được lấy ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng. Đối với dự án quy mô nhỏ, không ảnh hưởng lợi ích của bên thứ ba thì chỉ cần đăng công khai thông tin trước khi ký. Đối với dự án quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba thì phải được tổ chức lấy ý kiến thông qua văn bản, hội thảo, họp báo.
 
Phân tích thêm, VCCI cho rằng việc công khai, minh bạch và lấy ý kiến cộng đồng đối với các dự án PPP rất quan trọng, việc này cần phải được quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc hơn cả đối với các dự án đầu tư công. Đối với các dự án đầu tư công, trong trường hợp người dân có những phản ứng, thì Nhà nước có thể chủ động điều chỉnh dự án mà không cần điều chỉnh hợp đồng.
 
Đối với các dự án đầu tư PPP, việc điều chỉnh dự án thường sẽ kéo theo việc phải đàm phán lại giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, nếu dự án được tham vấn kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn đầu thì sẽ giảm được nguy cơ này. Một số dự án BOT giao thông thời gian qua gặp vướng mắc khi đi vào vận hành cũng một phần xuất phát từ việc thiếu tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng.
 
Trước đây, do quan niệm cho rằng tiền đầu tư là của tư nhân, nên cơ chế giám sát đối với đầu tư các dự án PPP lỏng lẻo hơn so với đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba (bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án và phải trả tiền). Do đó, việc tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng là điều hết sức cần thiết.
 
Bảo lãnh PPP cần quản lý tốt rủi ro
 
Hiện nay, vấn đề bảo lãnh hay không đối với các dự án PPP đang là tranh luận lớn. Nếu không chấp nhận bảo lãnh thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu bảo lãnh thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.
 
Do đó, giải pháp tốt nhất là Luật đầu tư PPP vẫn chấp nhận cho phép bảo lãnh, nhưng phải thiết kế thật tốt cơ chế quản lý rủi ro của các khoản bảo lãnh. Hiện nay, có khá nhiều hình thức bảo lãnh thường thấy như bảo lãnh khoản vay, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bao tiêu sản phẩm, biến động tỷ giá…
 
Đối với bảo lãnh khoản vay, pháp luật Việt Nam đã có quy định tương đối rõ ràng trong Luật Quản lý nợ công và Nghị định 91/2018/NĐ-CP về bảo lãnh chính phủ. Các văn bản này đưa ra khá nhiều công cụ để kiểm soát rủi ro của khoản bảo lãnh.
 
Đối với các hình thức bảo lãnh khác, Luật Đầu tư PPP cũng cần thiết kế các công cụ kiểm soát rủi ro tương tự, thậm chí có thể còn phải chặt chẽ hơn. Bởi trong trường hợp dự án gặp rủi ro thì Nhà nước đều phải sử dụng tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư. Do đó, cần phải bảo đảm rằng việc Nhà nước cam kết bảo lãnh trong các dự án PPP phải được kết nối với việc lập kế hoạch ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công.
http://baochinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.426.742
Truy cập hiện tại 2.332