Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Cuộc sống của người dân tộc thiểu số được cải thiện nhờ chính sách
Ngày cập nhật 09/05/2019

(Chinhphu.vn) - Đến nay, đã có hơn 2,5 nghìn người dân tộc thiểu số miền núi được đào tạo nghề tăng thu nhập.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

Bài toán việc làm đã bước đầu được giải quyết

Để tạo việc làm cho lao động nông thôn nói chung và người dân tộc thiểu số miền núi nói riêng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã mở nhiều lớp đào tạo ngành nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề.

Tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy nghề 1.165 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 40.405 người, trong đó: 61% nghề nông nghiệp và 39% nghề phi nông nghiệp. Trong tổng số học viên học nghề, có 2.568 học viên là người dân tộc thiểu số.

Đáng nói, sau học nghề, số người có việc làm đạt 85,6%, trong đó: 12,6% được doanh nghiệp tuyển dụng; 10,9% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 75% tự tạo việc làm và 1,5% thành lập tổ hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đi đôi với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số miền núi, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, đến nay, đã có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô có làng nghề. Trong đó có 5 xã thuộc huyện Ba Vì được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống.

Đối với các xã chưa có nghề, Thành phố giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, UBND các xã để tổ chức truyền các nghề tiểu thủ công nghiệp như: Mây tre đan, may dân dụng, đan bèo tây, chổi... Sau khi được truyền nghề, người lao động dân tộc thiểu số miền núi có thêm việc làm lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập.

Nhiều chính sách đem lại hiệu quả tích cực cho người dân tộc thiểu số

Bên cạnh chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô để phát triển văn hóa, xã hội. Đáng nói, các chính sách hỗ trợ thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế đã đi vào cuộc sống, cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của người dân.

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, UBND thành phố ban hành kế hoạch về việc đưa báo Đảng, chính quyền, báo chuyên biệt cho đặc thù khu vực miền núi, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2015.

Thành phố cũng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống đài truyền thanh cơ sở; triển khai tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ làm thông tin cơ sở đối với các huyện vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô đã có hạ tầng viễn thông băng rộng cố định đảm bảo cho người dân trên địa bàn có thể truy cập dịch vụ internet và đã được phủ sóng thông tin di động, được đầu tư xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động đảm bảo cho người dân sử dụng được các dịch vụ thông tin.

UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch về triển khai Đề án số hóa, truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; đồng thời, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị trong năm 2016 đã thực hiện hỗ trợ 61.965 hộ nghèo, chiếm 94,8% tổng số hộ nghèo toàn thành phố được tiếp cận truyền hình số.

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố đã ban hành các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh được đảm bảo, đầy đủ, kịp thời theo quy định. Hằng năm, thành phố đều chỉ đạo thực hiện chế độ cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng và đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định; hiện nay, 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%...

UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Ban Dân tộc thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan, hằng năm tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập.

Ngoài ra, Ban Dân tộc thành phố ký chương trình phối hợp với Quỹ Khuyến học thành phố đã tặng 100 suất học bổng cho học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn người dân tộc thiểu số nhằm động viên tinh thần học tập của các em là người dân tộc thiểu số.

Trên lĩnh vực y tế, thành phố luôn quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe đối với nhân dân các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Mạng lưới y tế cơ sở thuộc địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố hiện có 3 phòng khám đa khoa và 14 trạm y tế của 14 xã. Hiện nay, 100% số người nghèo, cận nghèo và 100% người dân ở các xã, thôn khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

 

http://thanglong.chinhphu.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.432.954
Truy cập hiện tại 215