Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát huy vai trò của giai cấp nông dân Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới
Ngày cập nhật 18/09/2018
5 năm qua (2013 - 2018), dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giai cấp nông dân và Hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Chuyển biến tích cực từ các phong trào thi đua

Nhiệm kỳ qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào nòng cốt trong các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, phong trào đã thu hút 61.517 hộ hội viên, nông dân đăng ký và có 41.625 hộ được công nhân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 108,3%). Từ phong trào, Hội viên nông dân đã phát huy nội lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Tiêu biểu như Hội viên nông dân Trương Thị Vững ở xã Phú Diên (Phú Vang) đã đầu tư 3 tỷ đồng mua xe tải vận chuyển, xây kho bãi để chế biến và kinh doanh nông sản, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng; Hội viên Lê Viết Ngọc ở xã Hồng Tiến (Hương Trà) đầu tư trồng cao su và cây keo với diện tích 22 ha và làm dịch vụ thu mua cao su, gỗ keo giải quyết việc làm thường xuyên cho 19 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng...Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và phát triển như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính (1500m2) của anh Trương Như Hải ở phường Thủy Biểu, TP.Huế hay mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh trong nhà lưới (2000m2) của chị Lê Thị Tám ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang cũng nhiều mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới ở huyện Nam Đông, A Lưới và Phong Điền...

Mô hình trồng rau sạch trong nhà kính của Hội viên nông dân ở thành phố Huế  

Một trong những phong trào đã khẳng định vai trò là hạt nhân, là chủ thể tham gia của nông dân là phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống nông thôn và đô thị văn minh. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã vận động Hội viên, nông dân tham gia đóng góp hơn 71,681 tỷ đồng, trên 200 nghìn ngày công, làm mới và sửa chữa gần 13 nghìn km đường giao thông nông thôn, đào đắp và nạo vét gần 40 nghìn m3 kênh mương; đặc biệt đã hiến hơn 1.440.07m2 đất để xây dựng đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang tường rào, nhà cửa...Nổi bật là, hội viên, nông dân ở huyện Quảng Điền đã đóng góp trên 66 nghìn ngày công, hơn 5,3 tỷ đồng, hiến trên 197 nghìn m2 để xây dựng đường giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa, cổng chào, đình làng. Hội viên, nông dân thị xã Hương Thủy tự nguyện hiến hơn 23 nghìn m2 đất để xây dựng đường thôn, xóm, nhà văn hóa...; riêng bà Ngô Thị Bòn, đóng góp 380 triệu đồng để làm đường bê tông thôn 9 xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy.

Tại các xã, phường, thị trấn cũng đã xuất hiện các tuyến phố, đường liên thôn, liên xóm do Tổ và Chi hội nông dân cơ sở quản lý và xây dựng tuyến phố văn minh; góp phần đưa bộ mặt nông thôn, đô thị ngày thêm khang trang, xanh, sạch, đẹp. Điển hình như ở TP.Huế, 100% cơ sở Hội đã đảm nhận một tuyến đường (hay một đoạn đường) để xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Đối với phong trào xây dựng nếp sống nông thôn và đô thị văn minh, hàng năm, có trên 105 nghìn hộ nông dân đăng ký và đã có trên 95 nghìn hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đặc biệt trong 5 năm qua, các cấp Hội nông dân đã xây dựng được 54 câu lạc bộ (CLB) nông dân với dân số và phát triển, 61 CLB “Nam nông dân không sinh con thứ 3 trở lên” cùng các CLB như CLB nông dân với pháp luật và CLB nông dân về phòng chống tệ nạn xã hội - HIV/AIDS... 

 

 Hội viên nông dân đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới 

Theo Thường trực Hội nông dân tỉnh, 5 năm qua, nhờ sự tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh trong việc đổi mới nội dung, phương thức trong hoạt động, nhất  là trong đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Hội viên nông dân tích cực tham gia  thực hiện phong trào nông dân nên các mục tiêu, chỉ tiêu do đại hội VIII đề ra đã cơ bản hoàn thành, trong đó có 11/12 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2013-2018 đề ra đạt và vượt. Công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng đi vào chiều sâu; năng lực công tác của cán bộ Hội, nhất là cán bộ cơ sở từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có 138 cơ sở Hội, 1.070 chi Hội và 910 tổ Hội; kết nạp được 21.964 hội viên mới (đạt 115,6% chỉ tiêu).

Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, tuy nhiên, một thực tế trong hoạt động của Hội hiện nay và các phong trào của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, một số nơi tổ chức hội chưa phát huy vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phòng trào nông dân; các hoạt động tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở cấp Hội cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân...Đây là những vấn đề cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và có các giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Tại đại hội Đại biểu Hội nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 đã xác định phương hướng hoạt động của Hội nông dân tỉnh trong 5 năm tới (2018-2023) là: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt  động của các cấp Hội và tập hợp nông dân để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát huy vai trò nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hướng dẫn nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Mục tiêu đặt ra là tiếp tục tập trung nguồn lực để tổ chức, thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và nâng cao chất lượng hội viên, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên và nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt từ 45 - 50 triệu đồng/người/năm.  

 

Phát huy vai trò của Hội viên nông dân để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn,

 

Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện là đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... phù hợp với đặc điểm của địa phương. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ hộ, nhóm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhất là các chủ trang trại, nông dân trẻ giỏi, giúp họ trở thành những doanh nhân có đủ đức tài, làm nòng cốt trong phong trào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TU ngày 13/03/2018 của tỉnh ủy về “Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và hành động của hội viên nông dân về trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái.

Phó bí thư Thường trực Bùi Thanh Hà cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ tới, nhất là nâng cao chất lượng phong trào nông dân thì bên cạnh phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh phải thật sự là “Trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Đó là, mọi hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở, khu dân cư; công tác chỉ đạo điều hành phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, hành chính hóa. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.218.723
Truy cập hiện tại 284