Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Điểm tin báo chí ngày 28/06/2018
Ngày cập nhật 02/07/2018
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra công tác thi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sáng 27/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác tổ chức thi và coi thi tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đoàn đã đến kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An (TP Huế) và điểm thi Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy). Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trưởng các điểm thi Trường THCS Chu Văn An và Trường THPT Phú Bài đã báo cáo nhanh về công tác thi kỳ thi THPT quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị ôn tập, công tác tổ chức thi, sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT với các trường ĐH thành viên ĐH Huế nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho kỳ thi cả về nhân lực và vật lực.

Tại các nơi Đoàn đến kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thường xuyên nhắc nhở các trưởng điểm thi và cán bộ coi thi không được phép chủ quan, lơ là ở bất kỳ khâu tổ chức nào.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: "Công tác tổ chức thi ở các đia phương cũng rất chu đáo và bài bản, đúng quy chế. Đặc biệt lãnh đạo ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã nghiêm túc, trách nhiệm, nhất là lựa chọn các đồng chí làm trưởng điểm thi đều là những người có chuyên môn nghiệp vụ về làm thi.

Trước đó, vào ngày 26/7, đoàn kiểm tra thi do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu cũng đã đến kiểm tra công tác coi thi, thăm và động viên cán bộ và học sinh tại huyện miền núi A Lưới tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Giáo Dục & Thời Đại Online 27/6; TTXVN 27/6; Tin Tức Online 27/6; Gia Đình & Xã Hội 28/6, tr15)

 
 
 

2.  Tiếp nhận và giải quyết trên 37 nghìn hồ sơ người có công

Trong 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (giai đoạn 2013 – 2017), Sở LĐ – TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và giải quyết trên 37.000 hồ sơ xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ NCC các loại.

Sáng 27/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (giai đoạn 2013 – 2017).

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Dần – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH TT Huế cho biết, trong 5 năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đã NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC; đưa chính sách ưu đãi, chăm sóc NCC đến với người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế có trên 110.000 hồ sơ NCC, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương bệnh binh, 2.185 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH (nay có 89 Mẹ đang sống), gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, hơn 30.000 người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 30.000 người có công giúp đỡ cách mạng,…

Theo ông Dần, hàng năm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 7.000 hồ sơ đề nghị xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ NCC. Cá biệt, thời gian cao điểm như năm 2014, Sở đã tiếp nhận 15.039 hồ sơ các loại. Sở đã giải quyết 13.570 hồ sơ và đề nghị bổ sung hoàn thiện 1.496 hồ sơ. Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh, Sở đã tiếp nhận và giải quyết trên 37.000 hồ sơ. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc đời sống người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” những năm qua đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương quan tâm, tăng cường thực hiện.

Cụ thể: trong việc xác nhận hồ sơ NCC, giải quyết chế độ chính sách, ngành LĐ–TB&XH đã đưa phần lớn các loại hồ sơ vào thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông. Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh, có gần 6.000 NCC được xác nhận, công nhận; giải quyết hơn 31.000 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, có 1.285 bà mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng; có 619 trường hợp được thưởng Huân chương độc lập cách mạng; 500 trường hợp thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương được xác nhận và giải quyết chế độ.

Công tác rà soát hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ, qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 4.648 hộ gia đình NCC được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa (trong đó có 1.499 nhà hỗ trợ xây mới, 3.149 nhà được hỗ trợ sữa chữa với tổng kinh phí 122.940 triệu đồng).

Đối với công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong 5 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy tập mộ liệt sĩ từ nước bạn Lào 117 mộ, 72 mộ trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cũng đã thực hiện lấy mẫu và chuyển mẫu sinh phẩm đề nghị giám định AND xác định danh tính đối với tổng số mộ nêu trên.

Mặt khác, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự phối hợp trong việc chăm sóc đời sống NCC; thăm hỏi, động viên NCC nhân dịp lễ, tết,..Qua 5 năm thực hiện, đã có trên 230.000 suất quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, quà của cấp huyện, xã, tổ chức, đơn vị, cá nhân được trao tặng đến NCC nhân dịp tết nguyên đán; 180.000 suất quà được trao tặng nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động ủng hộ xây dựng, sửa chữa, tặng nhà tình nghĩa được đẩy mạnh. Qua 5 năm, đã có 147 nhà được tặng hoặc hỗ trợ xây mới, 121 nhà được hỗ trợ sửa chữa với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra những mục tiêu cụ thể, như: phấn đấu đến năm 2020 có trên 99% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của dân cư nơi cư trú; hoàn thành công tác sửa chữa, xây mới nhà ở cho NCC đối với những hộ gia đình có tên trong danh sách đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí; có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng; 100% công trình ghi công liệt sĩ hư hỏng được tu sửa, nâng cấp, chỉnh trang; phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng và giải quyết kịp thời các hồ sơ mới phát sinh…

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Ưu đãi NCC với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đó vừa là trách nhiệm và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của NCC với đất nước. Thời gian qua, tuy đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự yên lòng khi vẫn còn những NCC với cách mạng chưa được công nhận; vẫn còn không ít gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; còn trên 1.000 hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhà cửa chưa ổn định…, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, nhiều liệt sĩ thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính”.

Nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Dung đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhất là ngành LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải: trong năm 2018, tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2020; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho NCC và con em của họ; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất lẫn tinh thần.

Đặc biệt, chuẩn bị đến dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018), ông Dung đề nghị các Sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức các hoạt động ỷ niệm một cách thiết thực, hiệu quả; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng NCC. Mặt khác, cần đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm chăm lo đời sống NCC với cách mạng ngày càng tốt hơn.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao tặng bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thương binh, liệt sĩ trong thời gian qua. (Baodansinh.vn 27/6; Tiền Phong 28/6, tr2)

 
 
 

3.  Quyết tâm chính trị phải thể hiện bằng hành động cụ thể

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng mới đây, nhiều con số đã được nêu ra, khẳng định kết quả to lớn, đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đó là, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Trong số 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, có chín đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ Đảng. Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi hơn 260 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi hơn 165 nghìn tỷ đồng và 12 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế… Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng liên tiếp hai năm, sau nhiều năm giữ nguyên. Năm 2016, tăng từ 31 điểm lên 33 điểm. Năm 2017, tăng tiếp hai điểm so với năm 2016, lên 35 điểm.

Nhưng cũng có những con số khiến dư luận lo lắng, thấy cần phải kiên trì, quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa trong cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp và lâu dài này. Đó là, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tại các địa phương. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2016, có 11 công an cấp tỉnh không khởi tố mới vụ án tham nhũng là: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu. Năm 2017, có chín công an cấp tỉnh không khởi tố mới vụ án tham nhũng là: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đác Nông, Lâm Đồng, Bạc Liêu. Năm 2017, trên toàn quốc chỉ có 16 vụ với 21 đối tượng tham nhũng bị phát hiện qua tự thanh tra, kiểm tra.

Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại sáu tỉnh, thành phố, chỉ có tỉnh Long An phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến năm 2017, mới có 59 cuộc thanh tra, kiểm tra có liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong khi trên thực tế, công tác cán bộ là một trong những lĩnh vực có nguy cơ cao tạo ra tham nhũng, do “lợi ích nhóm”, phe cánh, quan hệ…

Xảy ra tình trạng nêu trên là do tại một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, quyết tâm chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao, chưa được thể hiện thành hành động cụ thể, nói chưa đi đôi với làm, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Không ít cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thật sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, thiếu gương mẫu, thậm chí còn có thái độ né tránh, không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua khẳng định sự nhất quán và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng được ban hành. Nhiều nghị quyết, quy định được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống. Nhưng để tiếp tục duy trì cuộc đấu tranh này thường xuyên, kiên trì và quyết liệt, cần có thêm nhiều hành động cụ thể. Cần có cơ chế để minh bạch, công khai những việc làm cụ thể của địa phương, tổ chức và những người đứng đầu địa phương, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Không thể chấp nhận việc một địa phương trong nhiều năm lại không phát hiện, xử lý được một vụ án tham nhũng nào. Quyết tâm chính trị phải biến thành hành động cụ thể. Chúng ta không chấp nhận việc phòng, chống tham nhũng chỉ bằng hô hào, bằng khẩu hiệu, cũng chính là việc phải đấu tranh với tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong phòng, chống tham nhũng. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang bên cho người khác làm. (Nhân Dân 28/6, tr1+7; Nhân Dân Online 28/6)

 
 
 

4.  Thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ở khu vực miền Trung: Kiến nghị nâng cao chuyên môn cho đội ngũ quản lý ở địa phương

Mới đây, Bộ VHTTDL đã phổ biến nội dung về Nghị định số 22/2018/NĐ-CP và tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực miền Trung.

Mặc dù các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí không sôi động bằng hai đầu đất nước; nhưng 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung cũng thường xuyên có những chương trình, hoạt động có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, tập trung nhiều ở các địa phương du lịch như TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế…

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hoạt động tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân tại Thừa Thiên Huế đã được quan tâm thực hiện. Sở đã hướng dẫn thực hiện hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho các chương trình nghệ thuật, kịch bản các lễ hội tại các kỳ Festival Huế (năm 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018). Số lượng các cá nhân sáng tạo văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với các loại hình mỹ thuật, âm nhạc, thơ, đề tài khoa học… ngày càng tăng.

Việc chấp hành và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đã được các cá nhân, tổ chức thực hiện; nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim… Theo thống kê tại Huế, bình quân mỗi năm Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu được 200 triệu đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, phòng trà, khách sạn, nhà hàng, quán bar… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã thu được 155 triệu đồng đối với 50 trường hợp.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thôi - Phó phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng) khẳng định: Sở đã có nhiều chương trình phối hợp với các đơn vị truyền thông để tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị hướng dẫn thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc trên địa bàn, trong đó tập trung nhóm khách sạn 4, 5 sao… Hướng dẫn một số công ty thực hiện quyền tác giả khi tổ chức các chương trình nghệ thuật tại các kỳ của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế; chương trình nghệ thuật kỷ niệm Giải phóng Đà Nẵng; hay các chương trình nghệ thuật quy mô khác…

Từ thực tế này, mong muốn đơn vị quản lý ngành thường xuyên phối hợp với Đà Nẵng cũng như các địa phương để hướng dẫn, xử lý; vừa tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Theo đại diện Sở Văn hóa- Thể thao TP. Đà Nẵng, thực trạng sao chép DVD/VCD âm nhạc, phim tràn lan đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Đây không chỉ là tình trạng diễn ra ở TP Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương, tỉnh, thành trong cả nước… Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016 đến nay, Thanh tra ngành văn hóa đã phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ văn hóa.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Bùi Nguyên Hùng cho biết: Sau khi Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1621 gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành. Đến nay, đã có hơn 50% các địa phương đã nhận được văn bản và giao Sở VHTT (Sở VHTTDL) phối hợp với các Sở, ngành khác để triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

Ông Hùng cũng cho biết, Cục Bản quyền tác giả vừa làm việc với các ngành liên quan của TP Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung trong khai thác, sử dụng sản phẩm âm nhạc cũng như thu phí bản quyền trên địa bàn Đà Nẵng.

Một số đại diện đến từ các Sở VHTT tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng… cho rằng, hiện nay đội ngũ quản lý thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan ở các địa phương là cán bộ kiêm nhiệm, ít được đào tạo kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, còn lúng túng trong giải quyết các khiếu nại… Qua đó, kiến nghị Cục Bản quyền tác giả cần tăng cường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về quyền tác giả, quyền liên quan cho các đơn vị văn hóa cơ sở ở các địa phương. (Văn Hóa 27/6, tr8+9; Văn Hóa Online 27/6)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Chương trình nghệ thuật “Âm sắc Cung đình” được tổ chức hằng đêm từ ngày 01/7

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm sắc Cung đình” tại Đại Nội Huế vào hằng đêm bắt đầu từ ngày 01/7/2018.

Đây là hoạt động nhằm góp phần tạo sự phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch về đêm của Huế cũng như sẽ giúp quảng bá, thu hút khách đến với di tích Huế, góp phần tích cực cho sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chương trình được tổ chức trên trục chính Ngọ Môn - Điện Thái Hòa - Duyệt Thị Đường. Cụ thể: từ Ngọ Môn, sau lễ Đổi gác, du khách vào cổng, tự khám phá không gian ánh sáng từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa; sau đó đến Duyệt Thị Đường để thưởng thức chương trình “Âm sắc Cung đình” và kết thúc, ra cổng Hiển Nhơn.

Tham gia chương trình "Âm sắc Cung đình", du khách sẽ được cùng hòa mình vào không gian đầy sắc màu từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa đặc biệt là vào ban đêm, được trải nghiệm không gian cổ xưa của Nhà hát Duyệt Thị Đường, một nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam còn tồn tại được xây dựng từ năm 1827 và được thưởng thức chương trình Nhã nhạc, Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại cùng các tiết mục Múa Cung đình độc đáo, đặc sắc.

Dự kiến, mỗi đêm, chương trình “Âm sắc Cung đình” sẽ có 02 suất diễn. Suất 1, vào cổng từ 18h45; biểu diễn tại Duyệt Thị Đường từ 19h15 – 20h05 và suất 2, vào cổng từ 20h15; biểu diễn tại Duyệt Thị Đường từ 20h45 – 21h35.

Được biết, những tháng đầu năm 2018, với việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới xung quanh khu vực Kinh thành như chiếu sáng Kỳ đài, bắn súng thần công, chiếu phim 4D bằng công nghệ thực tế ảo với chủ đề “Đi tìm Hoàng Cung đã mất”... đã làm cho lượng khách tham quan khu di sản Huế tăng khá cao, tính đến ngày 18/6, tổng lượt khách tham quan đạt trên 1,7 triệu lượt, tăng gần 23%; trong đó khách quốc tế gần 1,2 triệu lượt, tăng 37%. Tổng doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 195 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 2.330 nghìn lượt khách, tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 1.109,4 nghìn lượt, tăng 16,54%. (Nhà Báo & Công Luận Online 27/6; Giáo Dục & Thời Đại 28/6, tr9; Tuổi Trẻ Online 27/6)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sôi nổi Ngày hội “Sáng tạo khởi nghiệp”

Sáng 23/6, tại Công viên 3 - 2, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội “Sáng tạo khởi nghiệp” thu hút hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ và 45 gian hàng của các đơn vị tham gia.

Ngày hội diễn ra với nhiều nội dung, hoạt động phong phú như: Hội chợ thanh niên khởi nghiệp và triển lãm các sản phầm, ý tưởng sáng tạo của thanh niên; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi; triển lãm mô hình, tập huấn hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh cho thanh niên, sinh viên; tổ chức diễn đàn kết nối Doanh nghiệp với Thanh niên khởi nghiệp; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên…

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, muốn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công cần phải đổi mới tư duy, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu những ý tưởng hay, sáng tạo cụ thể và quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả. Chủ động tiếp cận chương trình khởi nghiệp, tích cực tham gia vào các hoạt động để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh để lập các dự án, mô hình khởi nghiệp có giá trị thực tiễn; mạnh dạn xây dựng kế hoạch, dự án sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển ngành nghề phù hợp theo định hướng chung của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị; phát huy sức trẻ và khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng những mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Nhằm ghi nhận, biểu dương các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Ngày hội “Sáng tạo Khởi nghiệp - Nghề nghiệp, việc làm” và Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế năm 2018, Ban tổ chức đã tặng hoa và giấy chứng nhận cho các đơn vị đồng hành và tài trợ cùng Ngày hội.

Nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội “Sáng tạo Khởi nghiệp - Nghề nghiệp, việc làm” và Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế năm 2018, Tỉnh Đoàn đã tổ chức Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế năm 2018 và triển lãm các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của đoàn viên thanh niên.

Hội chợ với sự tham gia của 28 Doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cùng nhiều sản phẩm, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi các huyện, thị, thành phố, các mô hình sản phẩm đạt giải cao của học sinh tham gia dự thi Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, đồng thời khai trương Sàn giao dịch việc làm giúp thanh niên có cơ hội tìm kiếm việc làm và định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Tại ngày hội, các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế và các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của đoàn viên thanh niên.

Ngay sau Lễ khai mạc, đã diễn ra Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp trẻ với Thanh niên khởi nghiệp; Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế, mua, bán, giới thiệu sản phẩm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trẻ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh; Sàn giao dịch việc làm - Tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho đoàn viên thanh niên, sinh viên; Triễn lãm giới thiệu các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thanh thiếu niên; Tổ chức các trò chơi dân gian; Tuyên dương thanh niên khởi nghiệp và Doanh nhân trẻ tiêu biểu.

Ngày hội “Sáng tạo Khởi nghiệp - Nghề nghiệp, việc làm” và Hội chợ thanh niên phát triển kinh tế năm 2018 là hoạt động lớn của tuổi trẻ trong tỉnh. Thông qua hoạt động giúp bạn trẻ trau dồi kỹ năng, kiến thức, ý tưởng… trên con đường khởi nghiệp của mình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, phát triển nền kinh tế của tỉnh. (Doanthanhnien.vn 27/6; Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 27/6, tr9)

 
 
 

2.  Sáng lên rừng chăn bò, chiều về trường đi thi

Gia tài lớn nhất của gia đình là ba con bò nên dù chiều phải đi thi THPT quốc gia, buổi sáng Nguyễn Văn Ánh vẫn phải lên rừng coi ngó bò giúp mẹ.

Nhà của Ánh thuộc diện nghèo nhất xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, TT Huế. Năm miệng ăn trong nhà đều trông cả vào đàn bò ba con do một dự án kinh tế hỗ trợ và một sào lúa.

Cái nghèo khiến anh trai Ánh phải bỏ học đại học giữa chừng đi làm phụ giúp gia đình. Nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm, mọi gánh nặng đều dồn lên vai mẹ.

Thương mẹ, Ánh quyết định sáng đi học thì chiều xin đi làm phụ hồ giúp mẹ nuôi em. Suy nghĩ cơm áo gạo tiền đã khiến một cậu nhóc 17 tuổi phải "chín ép" để trưởng thành sớm.

Do thể hình nhỏ con, sức khỏe lại yếu nên Ánh không được chủ thầu thuê đi phụ hồ nhiều như các thanh niên cùng trang lứa trong xóm. Mỗi lần được chủ gọi phụ và trả công 100.000 đồng/buổi, cậu học trò mừng rơn ra mặt. Số tiền này Ánh đều đưa về cho mẹ mua thêm ngọn rau, con cá trong bữa ăn đạm bạc hằng ngày.

"Vừa rồi tranh thủ mấy ngày nghỉ để chuẩn bị thi, mình đi phụ hồ được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này mình đưa cho mẹ để mẹ đóng học phí còn nợ ở trường cho mình và em gái" - Ánh nói.

Trong đợt thi lần này, dự định chỉ thi để xét tốt nghiệp nên ngoài các môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì Ánh chọn thi thêm nhóm môn khoa học xã hội.

Buổi sáng ngày thi thứ hai được nghỉ nên Ánh quyết định lên rừng chăn đàn bò ba con của gia đình phụ mẹ. Trước khi ra khỏi nhà, cậu học trò nghèo không quên cầm theo sách vở, bộ đề thi... của hai môn tiếng Anh và địa lý theo để tranh thủ ôn tập.

Sau khi cho bò ăn no, Ánh bắt đầu chọn một gốc cây mát mẻ rồi lôi bài tập các môn học ra chăm chú đọc. Ánh nói lực học môn tiếng Anh của mình không được tốt, nên đành phải chịu khó xem nhiều bài giải trắc nghiệm ở các đề thi thử mới mong kiếm được điểm môn này.

Ánh chia sẻ với chúng tôi rằng Ánh rất muốn đi học ĐH ngành công nghệ thông tin, nhưng vì nhà không có tiền nên trước mắt chỉ chọn thi để xét tốt nghiệp.

Nói về cậu học trò của mình, cô Hồ Thị Lý, giáo viên Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông), cho biết Ánh là học sinh ngoan, hiền lành.

Dù gia cảnh khó khăn, thường xuyên phải đi làm phụ hồ giúp gia đình nhưng Ánh rất chịu khó trong học tập. Tuy còn rụt rè trước đám đông, nhưng mỗi lần có bài khó là Ánh thường mạnh dạn hỏi bạn bè và thầy cô ngay. (Tuổi Trẻ 27/6, tr14; Tuổi Trẻ Online 27/6)

 
 
 

3.  5 con bò bị sét đánh chết cùng lúc trên cánh đồng

Đàn bò gồm 5 con của một hộ dân ở Thừa Thiên - Huế không may bị sét đánh chết khi đang chăn thả trên cánh đồng. Sự việc xảy ra vào khoảng 14h chiều ngày 26/6.

Chiều 27/6, ông Đỗ Viết Tùng - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn (Thị xã Hương Thủy) cho biết tại xã này vừa có 1 vụ sét đánh làm chết một lúc 5 con bò.

Chiều 26/6, ở xã Phú Sơn có mưa giông to và sấm sét lớn. Lúc này, gia đình ông Trần Văn Hường (trú thôn 2, xã Phú Sơn) đang thả đàn bò 5 con tại cánh đồng ở thôn 2.

Không may, đàn bò trú dưới cây đã bị sét đánh trúng, chết ngay tại chỗ. Người nhà sau trận mưa đã lên đồng đưa bò về nhà thì chết điếng vì toàn bộ đàn bò – gia sản lớn nhất đã bị chết. Vụ việc khiến gia đình ông Hường thiệt hại khoảng hơn 70 triệu đồng.

Để giúp gia đình ông Hường, ngay sau đó nhiều thương lái đã đến thu mua số bò này để đưa đi tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, sau khi xảy ra sự việc, UBND xã đã đến thăm hỏi trước mắt, đồng thời đang xem xét kiến nghị lên cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ gia đình. (Đời Sống & Pháp Luật Online 28/6; VTC.vn 27/6; Pháp Luật Việt Nam Online 27/6; Công An Nhân Dân Online 27/6; Tiền Phong 28/6, tr2)

 
 
 

4.  Tặng Bằng khen cho 47 người cao tuổi làm kinh tế giỏi tiêu biểu

Qua 5 năm thực hiện phong trào người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi (2012 - 2017), toàn tỉnh có 2.100 NCT làm kinh tế giỏi, trong đó có 420 người làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 950 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi cấp huyện, 47 cấp tỉnh.

Với phương châm “Còn sức khỏe, còn lao động sản xuất”, phong trào thi đua NCT làm kinh tế giỏi xuất hiện nhiều tấm gương như: Ông Nguyễn Văn Chức, 62 tuổi, dân tộc Cà Tu ở thôn Bồ Hòn, xã Bình Thạch, thị xã Hương Trà, trồng hơn 50ha rừng, nuôi 50 con trâu bò, 2 hồ cá thu hơn 300 triệu đồng/năm; ông Phạm Văn Khán 65 tuổi, ở xã Phú Lương, thị xã Hương Thủy, trồng nấm rơm mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng; ông Trần Quang Phụ, 67 tuổi ở thôn An Tây, có 2 cơ sở  sửa chữa và chế tạo máy nông nghiệp, ngư nghiệp… cung cấp trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước, tạo việc làm cho 22 lao động thường xuyên, đạt doanh thu trên 4 tỉ đồng/năm; cụ Đinh Xuân Long, 85 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thăng Long, với 22 cơ sở chuỗi khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, thu hút 500 lao động, năm 2017 doanh thu 258,44 tỉ đồng….

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 47 NCT làm kinh tế giỏi tiêu biểu trong giai đoạn 2012 - 2017.(Người Cao Tuổi 27/6, tr2; Ngaymoionline.vn 27/6)

 
 
AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Cụ ông xích cụ bà dưới gốc cây: “Tôi sai rồi”

Xung quanh những xôn xao vụ cụ ông xích cụ bà dưới gốc cây, ngày 26/6, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền cho biết, ông Võ Văn Lụa (74 tuổi, trú tại tổ dân phố Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) không phải người xấu.

"Ông Lụa là người khuyết tật nặng không đi được, phải ngồi xe lăn trong khi bà Cụt (bà Nguyễn Thị Cụt, 79 tuổi, vợ đầu của ông Lụa) lại bị đãng trí hay đi chỗ này chỗ kia, phóng uế bừa bãi. Trưa hôm sự việc xảy ra, ông có đưa bà ra gốc cây cho mát.

Việc ông xích vợ mình vào cây là tránh để bà Cụt đi đâu mà ông không đi tìm được. Trước đây, còn có đứa cháu ngoại bà đi tìm nhưng kể từ khi cháu mất, ông Lụa còn đưa bà về nhà mình ở với người vợ thứ 2 và trông nom bà", ông Lương nói.

Theo ông Lương, do bà Cụt bị đãng trí nên ngày nào ông Lụa cũng buộc dây vào tay vợ để đi đâu cũng dắt bà đi theo cùng được. Bà vợ 2 của ông Lụa là người không quan tâm đến những vấn đề bên ngoài.

Nói thêm về người vợ 2 của ông Lụa, vị Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền cho rằng: "Bà vợ thứ 2 của ông Lụa rất khác lạ, không mấy khi quan tâm đến những sự việc khác. Trong khi về cơ bản, ông Lụa vẫn là người tốt, biết vợ đầu của mình như vậy trong khi mình bị khuyết tật như thế vẫn tìm mọi cách giúp. Sau khi có nhiều người hỏi về việc xích bà Cụt, ông Lụa cũng đã nhận thấy cái sai của mình".

Cũng theo ông Lương, do hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng người thân nên chính quyền huyện Phong Điền đã làm thủ tục đưa bà Cụt vào chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, đang tiến hành các thủ tục để bà Cụt được hưởng chế độ khuyết tật đặc biệt.

Trong khi đó, nói về việc này, ông Lụa cho biết: "Trời nắng nóng là bà ấy lên cơn nên tôi có đưa ra gốc cây sau nhà xích lại cho mát. Bà ấy là vợ mình, chẳng phải người ở nên tôi không hắt hủi mà chỉ đưa ra đó cho mát vì trong nhà nóng lắm. Tôi rất hối hận khi bị xã hội lên án. Tôi làm vậy là sai".

Ông Lụa cho rằng, giờ ông đã già, sức khỏe không còn, mấy người con đi làm ăn xa nên ông mong muốn chính quyền giúp đưa bà Lụa vào Trung tâm xã hội.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một bà cụ không mặc áo, tay bị buộc vào sợi dây vải nối với sợi xích và buộc chặt vào gốc cây nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Đa phần các ý kiến đều lên án gay gắt hành động được cho là mất hết nhân tính của người thân cụ bà. (Đất Việt Online 27/6)

 
 
 

2.  “Phù phép” lịch trực hè để đối phó vụ vào trường hiếp dâm cô giáo?

Giáo viên trường học có cô giáo bị hiếp dâm giữa ban ngày ở Thừa Thiên- Huế cung cấp thông tin về việc lãnh đạo trường “phù phép” lịch trực hè để đối phó sau khi vụ việc xảy ra.

Liên quan đến vụ nghi phạm bịt mặt xông vào trường hiếp dâm cô giáo xảy ra tại xã Bình Thành (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), sáng 27.6, giáo viên Trường THCS Lê Thuyết (xã Bình Thành) đã cung cấp cho PV thông tin về việc lãnh đạo nhà trường “phù phép” lịch trực hè để đối phó.

Sau khi xảy ra vụ cô giáo P.T.N.N (33 tuổi) của Trường THCS Lê Thuyết bị hiếp dâm ngay giữa ban ngày khi đang trực hè tại trường, Phòng GD-ĐT thị xã Hương Trà yêu cầu lãnh đạo Trường THCS Lê Thuyết cùng những cá nhân trong kíp trực ngày 20.6 tiến hành họp kiểm điểm, giải trình lý do vắng mặt tại trường theo lịch phân công. Đây là cơ sở để xem xét hình thức kỷ luật đối với những người liên quan trong việc chấp hành thực hiện chế độ trực trường.

Theo giáo viên Trường THCS Lê Thuyết, lịch trực hè của trường do Hiệu trưởng Trần Văn Bình ký ban hành ngày 24.5. Lịch trực này phân công việc trực hè đối với 20 lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Theo lịch phân công này, thời điểm ngày 20.6 là ngày trực hành chính của giáo viên Nguyễn Đăng Hòa Tình, trực lãnh đạo là ông Lê Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng. Lịch này ghi cô N trực vào các ngày 15.6 và 6.7.

Lịch trực ghi rõ thời gian trực trong ngày đối với giáo viên là buổi sáng từ 7h30-11h, buồi chiều từ 13h30-17h. Đối với trực lãnh đạo, lịch không ghi thời gian trực cụ thể trong ngày.

Theo giáo viên của trường, ngày 20.6 là ngày trực của giáo viên Nguyễn Đăng Hòa Tình, nhưng sau đó cô N được phân công trực thay vì giáo viên Tình đi học quản lý.

Sau khi xảy ra vụ cô giáo N bị hiếp dâm và trước sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT thị xã Hương Trà về việc xử lý những người liên quan trong việc chấp hành thực hiện trực trường vào ngày 20.6, trường THCS Lê Thuyết bất ngờ có thêm một lịch trực hè khác. Lịch trực hè này cũng do Hiệu trưởng Trần Văn Bình ký. Thời gian ký cũng được ghi là ngày 24.5.

Điều bất thường là lịch trực này có nhiều điểm khác so với lịch trực trước đó. Cụ thể, trong lịch trực này, ngày 20.6 - thời điểm xảy ra vụ cô N bị hiếp dâm tại trường - không có giáo viên nào được phân công trực. Đặc biệt, nếu như lịch trực trước cô N được phân công trực vào các ngày 15.6 và 6.7 thì lịch trực lần này, cô N không được phân công trực bất cứ ngày nào.

Theo nhiều giáo viên Trường THCS Lê Thuyết, lịch trực này được ông Hiệu trưởng Trần Văn Bình “phù phép” để đối phó với chủ trương xử lý vụ việc của Phòng GD-ĐT thị xã Hương Trà.

PV Dân Việt đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Văn Bình để làm việc nhằm nắm thông tin nhiều chiều nhưng ông Bình không nghe máy.

Như tin đã đưa, vào khoảng gần 9h ngày 20.6, khi cô giáo N đang ngồi một mình ở phòng trực của Trường THCS Lê Thuyết, một nam thanh niên bịt mặt đã đi vào và cầm theo một vật nhọn bằng gỗ. Tại phòng trực, kẻ bịt mặt lấy một con dao Thái Lan ở trên bàn dí vào cổ cô N để uy hiếp, khống chế và thực hiện hành vi hiếp dâm cô này. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, đối tượng lấy đi 2 điện thoại di động cùng một số tiền của nạn nhân.

Sau thời gian ngắn vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định, Võ Minh Trung (19 tuổi, trú thôn Hiệp Lại, xã Bình Thành) là đối tượng gây ra vụ hiếp dâm, cướp tài sản. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ xảy ra vụ việc, Trung bị bắt giữ. Tại thời điểm bị bắt, lực lượng chức năng phát hiện trong người Trung có một gói “cỏ Mỹ” chưa sử dụng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Hương Trà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Võ Minh Trung về hành vi “Hiếp dâm” và “Cướp tài sản”.

Sau vụ việc này, cô N cho rằng, nếu như bảo vệ trường cũng như những người được phân công trực trong ngày 20.6 thực hiện nghiêm túc công việc, đối tượng Trung đã không thể vào trường và nếu có vào thì cũng không thể làm hại cô. (Danviet.vn 27/6)

 
 
 

3.  Xe chở khách trá hình tiếp tục lộng hành tuyến Huế - Đà Nẵng

Bị xử lý gắt nhưng cuộc chiến xe trá hình núp bóng hợp đồng, tour du lịch trên tuyến Huế - Đà Nẵng vẫn chưa đến hồi kết do hoạt động biến tướng, nhờn luật của các nhà xe…

 Chỉ cần click vào các trang web Xe đi ké... trên hàng loạt trang mạng xã hội, thông tin đăng tải ồ ạt hành trình đón khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng. Trong vai hành khách, PV Báo Giao thông chọn ngẫu nhiên số điện thoại 0906 459 xxx trên trang Facebook “Xe đi ké…” liền được đầu dây xác nhận sẽ đến đón vào tầm 9h15 - 9h20 sáng 25/6 trên đường Nguyễn Sinh Cung (TP Huế) cho hành trình Huế - Đà Nẵng. Thắc mắc về giá vé, giọng nam thanh niên này bảo “vẫn như cũ”. Chỉ đến khi PV nói đi lần đầu, anh này mới công bố “giá vé 120 nghìn đồng/khách”.

Sớm hơn hẹn, 9h sáng 25/6, xe 7 chỗ hiệu Toyota Innova BKS 75K - 5504 đến trước quán cà phê trên đường Nguyễn Sinh Cung để đón khách. Xe BKS 75K-5504 treo phù hiệu “hợp đồng” nhưng vô tư đón trả khách. Trên xe, tài xế chuẩn bị sẵn các loại hợp đồng khống để đối phó. Tài xế tiếp tục đánh lái qua đường Tăng Bạt Hổ - Lê Trung Đình - Lê Đại Hành - La Sơn Phu Tử - Triệu Quang Phục - Phùng Hưng - Nhật Lệ, Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Điện Biên Phủ - Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh để đón đủ 7 chỗ trước khi chỉ hướng TP Đà Nẵng. Hoàn toàn không đón khách tại một điểm như quy định của loại xe này.

Dù “tút” lại sơn vỏ xe nhưng bản chất xe trá hình không hề thay đổi. Từ tháng 1/2018, PV nhiều lần ghi nhận xe BKS 75K-5504 liên tục bị tổ tuần tra kiểm soát liên ngành Đà Nẵng kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm xe hợp đồng. Tuy nhiên, thay vì hoạt động đúng quy định, nhà xe BKS 75K-5504 đổi chiêu đối phó. Gần 11h trưa 25/6, xe BKS 75K-5504 vừa qua hầm Hải Vân, thay vì trực tiếp thu tiền hành khách, hoặc thu khi kết thúc hành trình, tài xế xe (được xác định là Chế Quang Than Dương, trú TP Huế) lại nhờ một hành khách nữ ngồi ngay ghế phụ bên tài thu tiền hộ.

Theo các tài xế, với chiêu trò này, khi bị lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, nhà xe sẽ “đổ lỗi” cho hành khách hòng thoát tội. Tuy nhiên, mọi chiêu trò này đều bị PV ghi nhận, cơ quan chức năng bóc mẽ và xử lý. Trưa cùng ngày (25/6), Tổ Thanh tra giao thông Đà Nẵng phối hợp Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng) dừng xe, kiểm tra hành khách trên xe BKS 75K-5504, bóc mẽ hành vi đón khách lẻ của xe trá hình này, lập biên bản vi phạm hành chính.

Tương tự, ngày 25/6, PV gọi vào số 0943.848xxx đăng thông tin trên trang Fb “xe ke…” liền được xác nhận: đón ở đâu tại TP Huế. Ngay sau đó, một số điện thoại khác 0931.013xxx liên lạc lại hẹn địa điểm đón và thông báo giá tiền cho hành trình Huế - Đà Nẵng là 120.000 đồng/lượt. 11h trưa cùng ngày, PV được đón lên xe 7 chỗ BKS 75A-120.75. Lúc này trên xe đã có 3 hành khách. Vừa lên xe, ổn định chỗ ngồi, lập tức tài xế bốc điện thoại gọi cho hành khách kế tiếp, địa điểm đón là đường Trần Phú (TP Huế). Theo tài xế xe này, mỗi ngày xe chạy 2-3 lượt từ sáng sớm cho đến 22h. Xe có người tổ chức, điều phối và có cả đoàn xe trong nhóm để đối phó cơ quan chức năng.

Mới đây, ngày 15/6, liên ngành Đà Nẵng kiểm tra phát hiện hoạt động xe ké còn dùng cả xe bán tải BKS 29C-854.36 do tài xế Hoàng Quốc (trú Thừa Thiên-Huế) điều khiển… để chở khách trái quy định. Các hành khách cho biết, họ được đưa đón tận nhà với giá vé trên 200.000 đồng/người. Đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, tài xế Quốc không xuất trình được giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định...

Ghi nhận của PV, dù tổ liên ngành được lập ở cả hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, nhưng hoạt động xe trá hình, xe ké vẫn diễn biến phức tạp, biến tướng và đủ chiêu trò đối phó. Phía nhà xe này cho rằng, dù bị xử lý nhưng hoạt động xe trá hình vẫn mang lại lợi nhuận cao vì không phải đóng thuế phí (như các xe cố định), nhưng thu giá vé cao (gấp 2 - 3 lần xe cố định). Mỗi chuyến xe 7 chỗ, trung bình nhà xe “đút túi” 300.000 - 500.000 đồng. Với tần xuất 4 vòng trên tuyến, mỗi ngày, các xe thu lãi ròng khoảng 1,2-1,5 triệu đồng...

Trao đổi với PV, bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, hiện nay có 84 đầu xe tuyến cố định tuyến Huế - Đà Nẵng đăng ký hoạt động tại bến. Thời gian qua, việc bùng phát các xe hợp đồng trá hình khiến hoạt động vận tải trên tuyến gặp khó. Đại diện các nhà xe tuyến cố định Huế - Đà Nẵng cho hay, đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nạn xe trá hình, bởi cạnh tranh không bình đẳng, phá vỡ trật tự vận tải. Trong khi đó, các cơ quan quản lý mới chủ yếu siết được hoạt động xe cố định nhưng “vỡ trận” quản lý xe phù hiệu, trá hình.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra giao thông Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, tổ liên ngành Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đã xử lý hàng trăm trường hợp xe trá hình, vi phạm quy định vận tải khách. Tuy nhiên, cái khó là hoạt động loại xe này biến tướng, đối phó… Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng cho hay, cuộc chiến xe trá hình diễn biến phức tạp, cần sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan cấp phù hiệu, đến quản lý và giám sát hoạt động. PV đặt vấn đề hàng loạt xe phù hiệu do Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cấp, hoạt động trá hình bị kiểm tra, xử lý như xe BKS 75K-5504 nhưng không được thu hồi? Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Dễ thấy cuộc chiến xe trá hình vẫn chưa có hồi kết. (Giao Thông Online 28/6; Giao Thông 28/6, tr5)

 
 
 

4.  Phát hiện số lượng lớn rượu, thuốc lá ngoại không rõ nguồn gốc

Ngày 27/6, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị đã phát hiện xe ô tô chở hàng không rõ nguồn gốc.

Theo đó, trong lúc tuần tra tại Km9, trên tuyến đường tránh Huế đoạn qua thị xã Hương Trà, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phát hiện xe ô tô mang BKS: 74K – 7838 lưu thông hướng Bắc – Nam có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu dừng kiểm tra.

Kiểm tra trên xe, lực lượng chức năng phát hiện 84 chai rượu, gần 300 gói thuốc lá mang nhãn mác nước ngoài sản xuất với tổng giá trị khoảng gần 50 triệu đồng.

Qua kiểm tra, tài xế Trương Nhật Ý, trú tại TP Đông Hà (Quảng Trị) không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên.

Hiện, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh thụ lý xử lý theo đúng thẩm quyền. (Antt.vn 27/6; Nhà Báo & Công Luận Online 27/6; Thanh Niên Online 27/6; Công Lý Online 27/6)

 
 
 

5.  Phát hiện cơ sở sản xuất cà phê giả thương hiệu tại Thừa Thiên - Huế

Ngày 27/6, tin từ Công an thị xã Hương Thủy cho biết, đơn vị vừa phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê giả thương hiệu.

Trước đó, vào ngày 25/6, lực lượng Công an bất ngờ ập vào nhà anh Nguyễn Văn Linh (29 tuổi, trú phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) kiểm tra và phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Thị Quỳnh (29 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (19 tuổi) đang đóng gói cà phê bột vào bao bì mang nhãn hiệu của công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Điều Hòa (trụ sở đóng tại TPHCM).

Tiến hành kiểm tra cơ sở này, lực lượng công an còn thu giữ hơn 500kg cà phê hạt, 30kg cà phê bột, 32 bao cà phê bột đã đóng gói và trên 3,5 kg bao bì mang nhãn hiệu Công ty Điều Hòa, cùng một số vật dụng khác. Tất cả số cà phê nêu trên đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Công an thị xã Hương Thủy đang tiếp tục mở rộng điều tra hành vi sản xuất hàng giả của các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. (Thuonghieuvaphapluat.vn 28/6; Infonet.vn 27/6; Đại Đoàn Kết Online 28/6; Nguoiduatin.vn 27/6; Báo Công Thương điện tử 27/6; Tiền Phong Online 27/6; Tiền Phong 28/6, tr2; Đại Đoàn Kết 28/6, tr2)

 
 
TIN VẮN
 

1.  Điểm tin đã đưa

Từ 1/7: Mở rộng Cơ chế một cửa tại cảng biển ở 13 tỉnh, thành phố

Trên cơ sở thống nhất kế hoạch triển khai giữa các giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan thông báo việc triển khai mở rộng NSW tại cảng biển từ 9 giờ ngày 1/7/2018. Phạm vi và đia điểm triển khai gồm cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thuộc các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM... (Lao Động 28/6, Phụ trang An toàn giao thông)

Lễ hội Sen: Kích cầu du lịch Huế

Theo tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Lễ hội Sen 2018 với chủ đề “Truyền thuyết một loài hoa” sẽ diễn ra tại sân trước bia Quốc Học – Huế (đường Lê Lợi) từ ngày 29/6 – 1/7/2018. Đây là một trong những hoạt động góp phần khẳng định danh hiệu Huế – thành phố Festival của Việt Nam, từng bước xây dựng hình ảnh Huế – kinh đô lễ hội; đồng thời kích cầu du lịch Huế trong thời gian tới. (Toquoc.vn 27/6)

Cá heo nặng khoảng 150kg trôi vào bờ biển Thuận An

Khoảng 1h ngày 26/6, lúc vợ chồng ông Sào (45 tuổi, trú thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đang chuẩn bị ngư cụ để đi đánh cá thì phát hiện một con cá heo bị mắc cạn nằm sát bờ biển. Ngay sau khi phát hiện con cá heo bị mắc cạn, ông cùng vợ liền tri hô để mọi người đến hỗ trợ đưa con cá heo quay trở lại biển. Tuy nhiên, do bị thương nặng nên con cá heo đã chết. (Bưu Điện Việt Nam 28/6, tr12)

Khởi tố nam thanh niên hiếp dâm cô giáo đang trực ở trường

Ngày 26/6, Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Công an thị xã Hương Trà cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Minh Trung (19 tuổi, xã Bình Thành) về hành vi “hiếp dâm và cướp tài sản”. (Nông Nghiệp Việt Nam Online 28/6; VTC.vn 28/6; Đời Sống & Pháp Luật Online 27/6; Công Lý 29/6, tr16)

Nguyên cán bộ Công an lừa đảo để lấy tiền đánh bạc

Ngày 26/6, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa xét xử bị cáo Võ Văn Dùng (SN 1984, trú tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Võ Văn Dũng là cán bộ Công an thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ  (PC67) Công an tỉnh TT-Huế. (Bảo Vệ Pháp Luật 29/6, tr4)./.

 

 
 
 

2.  Tin vắn

Ngày 27/6, thí sinh dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi cao như: Đắc Lắc 285; Quảng Ninh 118; Thừa Thiên - Huế 107 thí sinh... (Nhân Dân 28/6, tr5)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Sân bay Phú Bài

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có công văn gửi UBND tỉnh TT Huế thông báo kế hoạch thực hiện Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Sân bay Phú Bài.

Theo đó, Nhà ga T2 gồm cao trình trên diện tích 16.500m2 với công suất 5 triệu lượt hành khách/năm (1 triệu lượt hành khách quốc tế/năm và 4 triệu lượt hành khách trong nước/năm).

Ngoài Nhà ga, Dự án còn xây dựng các hạng mục phụ trợ (nhà để xe ngoại trường, trạm thu phí); hệ thống đường ra vào Nhà ga, đường nội bộ kết nối; bãi đậu xe ô tô.

Tổng mức đầu tư Dự án là 1.700 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của ACV. Công trình dự kiến khởi công trong quý III/2019, thời gian thi công 18 tháng, hoàn thành và đưa vào khai thác. (Đầu Tư 27/6, tr2)

 
 
 

2.  A Lưới: Xây dựng mô hình trồng sim thương phẩm kết hợp phát triển du lịch

Huyện miền núi A Lưới (TT Huế) từ lâu đã nổi tiếng và được biết đến với những món đồ ăn rừng như thịt bò khô A Lưới, mật ong rừng… Thời gian gần đây, địa phương này đang mở rộng mô hình trồng cây sim kết hợp phát triển du lịch để ngày càng thu hút khách du lịch.

Đây cũng là một trong những điều kiện giúp huyện miền núi này có cơ hội phát triển kinh tế.

A Lưới là địa phương có vị trí địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho việc phát triển các loại cây miền núi như sim. Do vậy, trong cơ cấu chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp, UBND huyện đã quy hoạch, nhân rộng mô hình phát triển trồng sim thương phẩm kết hợp phát triển du lịch tại địa phương này.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, số diện tích quy hoạch trồng sim trên địa bàn huyện A Lưới khoảng 30ha, bao gồm xã Hồng Thượng, Hồng Hạ và xã Hương Phong. Trong đó, ngoài diện tích quy hoạch thì xã Hương Phong đang phục hồi lại hơn 10ha sim rừng tự nhiên để phát triển kinh tế nơi đây.

Ông Văn Lập – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới cho biết, Sim là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại A Lưới. Hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng các loại cây tự nhiên trong đó có sim rừng rất lớn, trung bình 1kg có giá trên dưới 10 ngàn đồng thì lợi nhuận mang lại cho người dân là rất lớn.

 “Quả sim có thể hái trực tiếp bán cho du khách, chế biến thành rượu sim, xay sinh tố, lá non làm trà sim, làm củi… Để cũng cố, nhân rộng và có hướng phát triển bền vững thời gian tới huyện thành lập hợp tác xã cung cấp cây giống, thu mua sim và chế biến qua đó sẽ tăng thu nhập cho người trồng sim tại địa phương”, ông Lập chia sẻ.

Mặt khác, việc trồng sim rừng kết hợp với du lịch tại xã Hồng Hạ đã được lãnh đạo và nhân dân tích cực tham gia. Xã Hồng Hạ có khu du lịch suối Parle, homestay Hồng Hạ nên thu hút lượng khách về đây rất lớn, đặc biệt là vào mùa hè. Những đồi sim bạt ngàn, hoa sim tím biếc, trái sim chín mọng sẽ là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.

Ông Hồ Viết Lương – Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ chia sẻ, Ở các tỉnh như Nghệ An trồng hoa hướng dương, hoa dã quỳ của Đà Lạt, hay lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang… mà năm nào cũng nườm nượp khách du lịch tìm đến, vậy tại sao A Lưới không thể có lễ hội hoa sim.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh, nhờ có các chính sách thiết thực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia mà cơ sở hạ tầng địa phương từng bước được kiện toàn, các mô hình phát triển kinh tế hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tiếp cận với kỹ thuật, khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất, đầu tư.

Việc xây dựng mô hình trồng sim kết hợp khu du lịch sinh thái là một việc làm hết sức phù hợp trong thời buổi ngành du lịch đang phát triển mạnh, mà A Lưới là một trong những vùng đất tiềm năng.

Là địa phương có tiềm năng lớn về diện tích đồi núi để trồng sim, nếu được áp dụng phương pháp trồng hợp lý, tìm đầu ra cho sản phẩm bền vững, kết hợp phát triển du lịch thì trái sim sẽ làm “trái giảm nghèo bền vững” tại vùng đất A Lưới. (Nhà Báo & Công Luận Online 27/6)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.227.778
Truy cập hiện tại 207